Vấn đề Myanmar sẽ được bàn tại phiên họp hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN

Cập nhật 10/7/2023, 09:07:48

Giao tranh giữa nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số Karen và Chính quyền quân sự Myanmar khiến hơn 5.000 người dân nước này phải tạm lánh ở các trại tị nạn dọc Thái Lan.

Truyền thông Thái Lan ngày 9/7 trích dẫn nguồn tin đáng tin cậy cho biết cuộc khủng hoảng Myanmar và việc thực thi Đồng thuận 5 điểm sẽ chi phối nội dung nghị sự tại phiên họp hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dự kiến diễn ra vào ngày 12/7 tại Indonesia.

Theo nguồn tin, nước Chủ tịch ASEAN 2023 Indonesia lên kế hoạch tổ chức phiên họp hẹp Bộ trưởng Ngoại giao sau phiên họp toàn thể của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56). Phiên họp được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các Bộ trưởng Ngoại giao trao đổi quan điểm về diễn biến tình hình liên quan cuộc khủng hoảng Myanmar và việc thực thi Đồng thuận 5 điểm.

Nguồn tin cũng cho biết Indonesia đã liên lạc, tiếp xúc với tất cả các bên liên quan ở Myanmar, bao gồm đại diện của Chính phủ thống nhất quốc gia (NUG), Lực lượng phòng vệ nhân dân (PDF) và các tổ chức vũ trang sắc tộc. Indonesia cũng duy trì quan điểm cho rằng Chính quyền quân sự Myanmar chưa thể hiện thiện chí trong thực hiện Đồng thuận 5 điểm, nhất là vấn đề chấm dứt bạo lực, hỗ trợ nhân đạo và thúc đẩy đối thoại chính trị giữa các bên liên quan.

ASEAN hiện chịu nhiều áp lực từ các đối tác đối thoại, đặc biệt là Mỹ, trong việc cần gia tăng sức ép nhằm buộc Chính quyền quân sự Myanmar phải chấm dứt các hoạt động bạo lực nhằm vào dân thường.

Theo nguồn tin, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dự kiến sẽ tiếp tục tái khẳng định giá trị của Đồng thuận 5 điểm, hối thúc Chính quyền quân sự Myanmar thể hiện thái độ thiện chí hơn trong thực hiện văn kiện này. Ngoài ra, ASEAN sẽ duy trì quan điểm không mời đại diện các cấp của Chính quyền quân sự Myanmar tham dự các hội nghị, diễn đàn của ASEAN trong thời gian tới.

Những ngày qua, giao tranh giữa nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số Karen và Chính quyền quân sự Myanmar khiến hơn 5.000 người dân nước này phải tạm lánh ở các trại tị nạn dọc theo khu vực biên giới thuộc tỉnh Mae Hong Son, miền Bắc Thái Lan.


Lượt xem: 1

Trả lời