Ông Tập Cận Bình bác cáo buộc Trung Quốc viện trợ cho Nga chống Ukraine

Cập nhật 08/5/2024, 08:05:06

Trong chuyến thăm châu Âu kéo dài 6 ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bác bỏ các cáo buộc về việc Trung Quốc ủng hộ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine hơn 2 năm qua.

“Trung Quốc không tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng không phải một bên tham gia vào cuộc khủng hoảng đó. Nhưng chúng tôi sẽ không đứng ngoài cuộc, mà sẽ luôn đóng góp tích cực để đạt được hòa bình” – ông Tập Cận Bình khẳng định như vậy trong cuộc họp báo với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau một ngày họp 3 bên cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Những va chạm thương mại giữa châu Âu với Trung Quốc cũng như các nghi ngờ của EU về tham vọng toàn cầu của nước này đã gia tăng sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra và Bắc Kinh từ chối lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động ở Ukraine, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế Nga đang bị phương Tây trừng phạt nặng nề.

Chuyến thăm châu Âu lần đầu tiên sau 5 năm của Chủ tịch Tập Cận Bình được xem là cơ hội để ông nêu trực tiếp với các lãnh đạo châu Âu góc nhìn của Trung Quốc về vai trò của nước này trong cuộc xung đột đang diễn ra tại châu Âu.

Ông Tập Cận Bình cũng sẽ ghé thăm Serbia và Hungary. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Belgrade trùng với dịp tưởng niệm 25 năm vụ NATO ném bom trúng đại sứ quán Trung Quốc tại thành phố này khiến 3 người thiệt mạng. Lúc đó, NATO cho rằng vụ ném bom này là một tai nạn, nhưng sự việc vẫn khiến Trung Quốc có thái độ không thân thiện với NATO.

Trong một bài báo viết cho truyền thông Serbia trước chuyến thăm, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Người dân Trung Quốc tôn trọng hòa bình nhưng sẽ không cho phép lặp lại bi kịch lịch sử. Tình hữu nghị giữa hai nước đã trở nên khăng khít và sẽ khuyến khích cả hai bên tiến bước”.

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm châu Âu trong bối cảnh các quan chức Mỹ gần đây bày tỏ với phía Trung Quốc mối quan ngại về hàng hóa lưỡng dụng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga, mà theo họ sẽ giúp Nga mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng trong cuộc xung đột với Ukraine.

Tháng trước, các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cho biết, Nga đang tận dụng sự hỗ trợ từ Trung Quốc, bao gồm số lượng đáng kể máy công cụ, động cơ máy bay không người lái, động cơ phản lực cũng như công nghệ tên lửa hành trình, vi điện tử và nitrocellulose có thể sử dụng để sản xuất chất đẩy cho vũ khí.

Trung Quốc bảo vệ hoạt động thương mại của mình với Nga, coi đó như một phần trong quan hệ song phương bình thường. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho các bên xung đột. Trên thực tế, Trung Quốc không bị cáo buộc gửi vũ khí sát thương sang Nga mà chỉ là xuất hàng hóa dùng cho mục đích quân sự.


Lượt xem: 2

Trả lời