Ukraine cần gì từ phương Tây để tìm kiếm đột phá trước quân đội Nga?

Cập nhật 29/9/2023, 08:09:15

Cho đến nay, phương Tây đã cung cấp hầu hết các phương tiện mà Ukraine yêu cầu nhưng với tốc độ chậm hơn và số lượng ít hơn nhiều so với nhu cầu của Kiev.

Ukraine điều chỉnh mục tiêu, tìm cách xuyên phá phòng tuyến Nga

Quân đội Ukraine đang đạt được những bước tiến nhất định giữa bối cảnh nước này hạn chế về trang thiết bị và huấn luyện trong khi Nga tiếp tục đào hào và củng cố các vị trí. Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, Ukraine đã giành lại khoảng 50% lãnh thổ Nga kiểm soát kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022. Kể từ đó, cuộc phản công của Ukraine tại Zaporizhzhia đã đạt thêm một số thành quả khi các lực lượng của Kiev thâm nhập qua phòng tuyến đầu tiên của Nga. Tuy nhiên, Ukraine vẫn chưa tiến gần Biển Azov, nơi sẽ cho phép họ chia cắt hành lang trên đất liền giữa Bán đảo Crimea và khu vực Donbass Nga kiểm soát ở phía Đông.

Dù vậy, các lực lượng của Kiev dường như đang điều chỉnh lại mục tiêu của họ, ít nhất là cố gắng tiến tới Tokmak – trung tâm hậu cần trong chiến dịch quân sự của Nga nằm cách bờ biển trên gần 100km. Ukraine càng tiến gần biển Azov thì càng có khả năng ngăn chặn tuyến tiếp tế của Nga. Nếu quân đội Ukraine có thể đặt các con đường bên bờ biển và các tuyến đường sắt trong tầm bắn của hệ thống pháo phản lực HIMARS thì họ có thể gia tăng sức ép lên các lực lượng của Nga vào mùa đông và tạo điều kiện cho một chiến dịch phản công tiềm năng khác vào năm tới.

Ukraine cần những vũ khí gì từ phương Tây?

Kiev cần nhiều thứ, trong đó có tên lửa phòng không, đạn pháo, xe tăng, tên lửa tầm xa (chẳng hạn như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân hay ATACMS) để tiếp tục nhằm vào các căn cứ của Nga ở Crimea. Cho đến nay, phương Tây đã cung cấp hầu hết các phương tiện mà Ukraine yêu cầu nhưng với tốc độ chậm hơn và số lượng ít hơn nhiều so với nhu cầu của Ukraine. Chẳng hạn, Mỹ đã cung cấp các xe tăng M1 Abrams đầu tiên cho Ukraine nhưng với số lượng 31 xe tăng, chúng chủ đủ trang bị cho một tiểu đoàn của Ukraine.

Một số nhà quan sát cho rằng phương Tây nên tăng cường cung cấp vũ khí và mở rộng huấn luyện cho các tiểu đoàn và lữ đoàn của Ukraine, có thể là bằng cách cử các chuyên gia tới Ukraine nhằm tăng tốc quá trình trên. Phương Tây đang tăng cường sản xuất đạn dược (Mỹ tăng sản xuất đạn pháo từ 14.000 quả/tháng lên 28.000 quả/tháng và có mục tiêu sản xuất 100.000 quả/tháng vào năm 2025), vì thế lượng vũ khí sẵn có sẽ gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề là phương Tây có sẵn sàng cung cấp đủ số lượng cho Ukraine hay không.

Từ đầu năm nay, Mỹ và đồng minh bắt đầu cung cấp xe tăng và xe bọc thép cho Kiev. Anh và Pháp cũng nối bước bằng cách hỗ trợ tên lửa hành trình tầm xa. Vào mùa hè năm 2023, Mỹ thông qua đề xuất của các nước châu Âu về việc cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine mặc dù máy bay chiến đấu này vẫn chưa đến tay Kiev. Gần đây nhất, chính quyền Tổng thống Biden đã nhất trí hỗ trợ đạn chùm và tên lửa ATACMS cho Ukraine.

Một số nhà quan sát cho rằng, phương Tây nên tăng tốc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine bởi Kiev cần nhận được tất cả số vũ khí trên để chấm dứt xung đột với các điều khoản có lợi cho mình. Theo họ, việc không cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài xung đột và khiến các bên phải trả giá lớn về lực lượng cũng như trang thiết bị, đồng thời gia tăng rủi ro cho toàn thế giới.

Dự báo xung đột trong những tháng tới

Trong một vài tháng đầu sau khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022, Nga ở thế tấn công. Tuy nhiên hiện nay họ chủ yếu ở thế phòng thủ khi Ukraine tiến hành phản công giành lại lãnh thổ. Nếu chiến dịch của Ukraine lấy được đà tiến công trong những tuần tới, một số nhà quan sát cho rằng Nga sẽ ngày càng rơi vào thế bất lợi. Dù vậy, Moscow gần như chắc chắn vẫn kiểm soát số lượng lớn lãnh thổ ở Ukraine vào cuối năm nay. Sang năm tới, với sự hỗ trợ các vũ khí mới từ phương Tây như ATACMS và F-16, Ukraine có cơ hội giành lại nhiều lãnh thổ hơn và tiến gần mục tiêu chia cắt hành lang đất liền ở phía Nam của đối phương.

Trong khi phương Tây kỳ vọng Ukraine sẽ tiến công nhanh hơn hoặc đạt được thỏa thuận với Nga để chấm dứt xung đột thì đó dường như là một mục tiêu thiếu thực tế ở thời điểm này.

Mặc dù khẳng định Nga sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine nhưng theo Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov, đến nay chưa có cơ sở để khởi động những cuộc đàm phán như vậy. Do vậy, Nga không có lựa chọn nào ngoại trừ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu của mình ở Ukraine qua các biện pháp quân sự.

Trong khi đó, mới đây Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định Moscow sẵn sàng đàm phán với Kiev dựa trên tình hình thực địa và tính toán đến các lợi ích an ninh của Nga.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin thì nói rằng Ukraine sẽ phải chấp nhận các điều kiện của Nga hoặc sẽ không còn tồn tại với tư cách là một nhà nước.

“Khi nói về xung đột ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các quan chức phương Tây khác bắt đầu gọi đây là ‘cuộc xung đột tiêu hao’. Họ dồn lượng lớn tiền bạc vào việc quân sự hóa chính quyền Kiev. Kết quả ra sao? Đó là phương Tây đang trải qua tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược trong khi người dân ở Mỹ và châu Âu mất dần niềm tin vào các chính trị gia và cuộc phản công của Kiev đã thất bại”, ông Volodin nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần bác bỏ bất kỳ ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ nào cho Nga như một phần của thỏa thuận hòa bình, đồng thời khẳng định Kiev sẽ tiếp tục cuộc phản công hiện nay bất kể điều kiện thời tiết ra sao.

 VOV.

Lượt xem: 1

Trả lời