Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vừa ra tuyên bố chung khẳng định sẵn sàng hợp tác sâu rộng với tất cả các quốc gia.
Tuyên bố chung được các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đưa ra sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh SCO năm nay do Ấn Độ chủ trì.
Ngoài sự tham dự của lãnh đạo 8 nước thành viên SCO, hội nghị trực tuyến năm nay đã chào đón thành viên thứ 9 là Iran. Cũng tại hội nghị thượng đỉnh SCO lần này, lãnh đạo các nước thành viên đã chứng kiến đại diện Belarus ký bản ghi nhớ để khởi động quy trình trở thành thành viên của SCO. Việc kết nạp hai thành viên Iran và Belarus vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ đem lại những lợi ích gì cho tổ chức này cũng như hợp tác của khu vực?
Chủ đề của SCO trong năm 2023
Chủ đề trong năm Ấn Độ đảm nhận vai trò Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là SCO- SECURE nghĩa là an ninh, vững chắc. Đây là cụm từ được tạo thành từ các chữ cái đầu của các thành tố như sau: An ninh, Phát triển kinh tế, Kết nối, Đoàn kết, Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và Bảo vệ môi trường. Các thành tố này được thể hiện rõ trong các văn bản được lãnh đạo cấp cao SCO thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh hôm 4/7 vừa qua.
Đó là Tuyên bố New Delhi và hai Tuyên bố chung theo chủ đề. Một là hợp tác chống lại cực đoan hóa dẫn tới chủ nghĩa ly khai, cực đoan và khủng bố và thứ Hai là hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo của khối cũng đã cùng ký tổng cộng 10 quyết định. Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vinay Kwatra, trong thời gian Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch SCO, trọng tâm của các cuộc họp là thu hút sự tham gia của các bên ngoài chính phủ vào việc thảo luận và thực thi.
Đây cũng chính là nhiệm vụ của các cuộc họp trong vòng 9 tháng qua. Các kết quả này thực chất nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa các quốc gia SCO. Trong suốt thời gian chủ trì các hoạt động của SCO, Ấn Độ đã đưa ra rất nhiều sáng kiến; trong đó có 2 cơ chế mới đã được khối thống nhất cho ra đời. Đó là Nhóm Làm việc Đặc biệt về Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo và Nhóm Làm việc cấp chuyên gia về y học cổ truyền. Các cuộc họp đầu tiên của 2 cơ chế này sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm nay.
Tổng cộng, trong nhiệm kỳ Chủ tịch SCO của mình, Ấn Độ đã tổ chức hơn 134 sự kiện trong vòng 9 tháng, đi cùng mức độ cam kết chưa từng có với các đối tác đối thoại và các quốc gia quan sát viên. Có tổng cộng 15 cuộc họp cấp bộ trưởng và 4 cuộc họp cấp trưởng các cơ quan trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đã có 5 sáng kiến do Ấn Độ đề xuất đã được SCO thông qua tại các cuộc họp cấp bộ trưởng, gồm: Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật số Công để thúc đẩy công nghệ số trong dân cư; Hợp tác trong SCO về các nguồn nhiên liệu đang nổi; Hợp tác chống các thách thức của biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa, ô nhiễm không khí, ô nhiễm chất thải nhựa ở đại dương.
Cuối cũng là SCO đã ra được báo cáo đầu tiên về các chính sách tài chính số bao trùm. Đó là còn chưa kể tới các hoạt động văn hóa- xã hội trên một loạt các lĩnh vực, chủ đề nhằm làm đa dạng hóa, thúc đẩy trao đổi giữa các nước SCO.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua, SCO cũng đã công bố việc kết nạp nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vào khối với tư cách là một quốc gia thành viên đầy đủ; đồng thời, Belarus cũng đã ký Bản ghi nhớ về nghĩa vụ để đạt được vị thế của một quốc gia thành viên SCO.
Sự tham dự của Iran mang lại lợi ích gì cho SCO?
SCO đã thống nhất thông qua quyết định kết nạp Iran và khởi động quá trình xem xét kết nạp Belarus tại Hội nghị Thượng đỉnh Dushanbe năm 2021 khi Tajikistan là Chủ tịch. Trong 2 năm qua, SCO đã hoàn tất các thủ tục giữa các quốc gia thành viên trên cơ sở sự đồng thuận trong việc quyết định kết nạp thành viên mới. Đây là lần mở rộng đầu tiên của SCO sau khi Ấn Độ và Pakistan được kết nạp vào năm 2017.
Việc kết nạp Iran và xem xét đơn xin gia nhập của Belarus đang phản ánh thực tế là ảnh hưởng quốc tế đang gia tăng của SCO và các nguyên tắc của Hiến chương SCO được chấp nhận rộng rãi. Nhiều người đã so sánh việc SCO gia tăng số lượng thành viên qua nhiều năm với việc mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, về mặt bản chất, 2 quá trình này là hoàn toàn khác vì SCO là một tổ chức hợp tác dựa trên cơ sở không liên kết và không nhằm vào bên thứ ba. Trong khi đó, NATO dựa trên tư duy Chiến tranh Lạnh, tập trung vào tăng cường năng lực phòng thủ và an ninh. Tổng thư ký SCO Zhang Ming từng nhận định: SCO tin rằng một người không nên xây dựng an ninh của mình bằng cách gây thiệt hại cho các quốc gia khác. Trong khi, NATO đang tạo ra những kẻ thù mới để duy trì sự tồn tại của chính mình. Đó chính là điểm khác biệt ở đây.
Xét về mặt chiến lược, việc Iran và Belarus gia nhập SCO không chỉ củng cố sức mạnh và ảnh hưởng của khối mà còn tăng cường các kết nối giữa các nước thành viên của khối với nhau. Lấy ví dụ cụ thể ở đây là việc Iran và Nga ngày càng thắt chặt mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn và Nga vẫn đang phải hứng chịu thêm các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong hơn 1 năm qua, trao đổi thương mại giữa Nga và Iran tiếp tục gia tăng và hai nước này đặt mục tiêu nâng kim ngạch lên mốc 40 tỷ USD so với con số 4 tỷ USD năm 2021. Hoặc cặp quan hệ Iran – Ấn Độ cũng được hưởng lợi từ chuyển biến mới này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua, Ấn Độ không che giấu kỳ vọng việc Iran gia nhập SCO có thể tối đa hóa việc sử dụng cảng Chabahar – một dự án lớn mà Ấn Độ đang đầu tư tại quốc gia Trung Đông này.
Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ trong một thông báo khẳng định Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc Nam – một kế hoạch chung giữa hai nước có thể đảm nhận vai trò tuyến đường an toàn và hiệu quả để kết nối các nước không có biển ở Trung Á với Ấn Độ Dương. Và với tấm thẻ thành viên của SCO, Tehran sẽ có thêm diễn đàn để thúc đẩy quan hệ gần gũi với khu vực Trung Á.
Ấn Độ đã đề ra những ưu tiên gì để ngày càng khẳng định vị thế?
Một sự trùng hợp khá thú vị đang diễn ra là việc Ấn Độ cùng lúc đảm nhận vai trò chủ nhà của hai diễn đàn đa phương lớn trong cùng một năm. Đây là cơ hội để quốc gia Nam Á này khẳng định vai trò, vị thế ngày càng gia tăng trên thế giới.
Tại G20, Ấn Độ định hình chính sách cũng như hành động của mình là một cực trong một thế giới đa cực đang dần hình thành. Trong một thế giới đang chuyển đổi với nhiều bất ổn và khó dự đoán này, Ấn Độ chọn trở thành đại diện cho tiếng nói, lợi ích của các nước đang phát triển- các quốc gia phương Nam.
Đây chính là cách mà Ấn Độ tập hợp sự ủng hộ, tập hợp các sáng kiến và các dự án hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy sự hợp tác, khẳng định vai trò của mình. Chúng ta đã nhìn thấy điều này thông qua việc Ấn Độ định hướng và triển khai các hoạt động trên cả hai diễn đàn trong những tháng qua; đồng thời, lồng ghép vào đó những sáng kiến của mình.
Chiếm 40% dân số thế giới và 60% tổng diện tích của châu Á và châu Âu, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đang ngày càng phát huy vai trò thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên, giữ gìn an ninh và ổn định khu vực, không ngừng nâng tầm ảnh hưởng như một trung tâm quyền lực mới đáng chú ý. Trong bối cảnh cạnh tranh, đối đầu gia tăng, một trật tự thay thế trật tự do phương Tây dẫn dắt đang thành hình, sự tăng cường hợp tác trong SCO hướng tới xây dựng một cơ chế đa phương có sức nặng, có tiếng nói và đủ sức làm đối trọng, xa hơn có thể dịch chuyển từ một tổ chức khu vực thành một cấu trúc mang tầm ảnh hưởng rộng toàn cầu.
Lượt xem: 4