Giới quan sát gợi ý giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine mà Nga có thể sẽ chấp nhận

Cập nhật 05/5/2023, 08:05:12

Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được những gì mình muốn nhưng nếu thử, có lẽ chúng ta sẽ nhận được những gì mình cần, các nhà quan sát nhận định khi đánh giá về con đường đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Phương Tây đang cạn vũ khí hỗ trợ cho Ukraine

Giữa bối cảnh Ukraine chuẩn bị tiến hành một chiến dịch phản công lớn vào bất kỳ thời điểm nào, cả hai bên trong cuộc xung đột đều đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược, các thiết bị điện tử và vũ khí chính xác. Trong khi phương Tây nhìn chung vẫn có khả năng đáp ứng các nhu cầu chiến đấu của Ukraine thì những nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng gia tăng.

Cuộc tấn công mùa xuân thực sự có lẽ không nằm ở số lượng xe tăng và xe bọc thép mà ở mức độ tăng cường sản xuất vũ khí ở các nước hỗ trợ cho Ukraine.

Pháo, tên lửa và đạn dược – đặc biệt là đạn pháo, hiện là những vũ khí Ukraine cần nhất. Đạn pháo cỡ nòng 155mm, vốn đóng vai trò quan trọng cho cuộc phản công của Ukraine đang ở mức thấp đáng lo ngại. Một số nhà phân tích cho rằng Ukraine đang sử dụng đạn pháo hàng tháng bằng mức độ sản xuất trong một năm của Mỹ vào thời điểm trước xung đột.

Trong khi đó, mức độ vũ khí và đạn dược còn dư ngoài nhu cầu cơ bản cho các kế hoạch của Mỹ ở mức rất thấp, trong đó không chỉ đạn pháo mà còn cả tên lửa sử dụng cho hệ thống HIMARS.

Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng giữa bối cảnh kho vũ khí và đạn dược của phương Tây dần cạn kiệt, các nước này sẽ không có đủ vũ khí để thay thế cho các tổn thất của Ukraine trong những cuộc tấn công sắp tới mà không phá vỡ nhu cầu vũ khí cơ bản cho các lực lượng của NATO. Minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng sẵn sàng ở mức thấp của các nước châu Âu trong NATO là việc nếu không có kho vũ khí của Mỹ, các nước còn lại hầu như không còn vũ khí để hỗ trợ Ukraine tiếp tục chiến đấu. Cụ thể, về xe bọc thép, châu Âu có chưa tới 2.000 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 nhưng có lẽ chỉ một nửa trong số đó sẵn sàng đi vào vận hành.

Giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine

Theo các nhà quan sát Michael Gfoeller – cựu cố vấn chính trị cấp cao của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, đồng thời là thành viên của Hội đồng Đối ngoại và David H. Rundell – người từng đứng đầu Đại sứ quán Mỹ tại Saudi Arabia nhận định trên Newsweek, điều quan trọng hiện nay không phải là nhất trí các điều kiện tiên quyết cho đàm phán mà là sự chấp nhận rõ ràng nhu cầu cần bắt đầu đàm phán để chấm dứt xung đột.

Hiện nay, những gì Ukraine cần là hòa bình, an ninh và tái thiết kinh tế. Nhưng không có điều gì trong những mục tiêu trên có thể đạt được nếu xung đột vẫn tiếp tục kéo dài và thời gian để đàm phán đang cạn dần.

Trên thực tế, cam kết ủng hộ “lâu nhất có thể” của NATO cho Ukraine không bền vững về mặt chính trị. Ngân sách hỗ trợ cho cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine không phải từ một tổ chức mang tên NATO mà là những người nộp thuế ở các nước trong liên minh này – những người mà chính thu nhập và mức sống của họ cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Người dân Mỹ sẽ không sẵn sàng tài trợ vô điều kiện và không giới hạn cho Ukraine nếu xung đột cứ tiếp tục kéo dài.

Nga từ lâu đã cảm thấy bị đe dọa bởi sự mở rộng của NATO sang Ukraine, không chỉ qua những hứa hẹn về tư cách thành viên của Kiev mà còn bởi việc mở rộng việc cung cấp vũ khí, tập trận chung và hỗ trợ tình báo cho Ukraine.

Các nhà quan sát Michael Gfoeller và David H. Rundell đặt câu hỏi không rõ vì sao một liên minh thuần túy phòng thủ như NATO tại cần mở rộng thêm thành viên. Ngoài ra, Nga đã nhiều lần tuyên bố, nước này sẵn sàng chiến đấu trong một cuộc xung đột mở rộng và kéo dài để ngăn Ukraine gia nhập NATO. Các nhà quan sát trên nhận định, nếu NATO muốn chấm dứt xung đột thay vì mở rộng thành viên, liên minh này nên thực hiện một hiệp ước trung lập cho Ukraine tương tự như Hòa ước Quốc gia Áo năm 1955.

Về an ninh của Ukraine, một giải pháp được đề xuất là một số thành viên hàng đầu NATO, trong đó có Mỹ, sẽ đảm bảo sự độc lập cho một Ukraine trung lập bằng các hiệp ước phòng thủ mang tính ràng buộc.

Hai nhà quan sát này cũng đề xuất một lệnh ngừng bắn và các cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hợp Quốc giám sát để quyết định liệu các khu vực nào thực sự muốn gia nhập Nga. Họ cho rằng Tổng thống Putin có thể sẽ nhất trí với đề nghị này. Nếu không có một cuộc trưng cầu dân ý để đáp ứng các mục tiêu cơ bản, Nga sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi giành quyền kiểm soát 4 vùng lãnh thổ ở phía Đông Ukraine.

Cuộc xung đột ở Ukraine cũng đang khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau, đồng thời làm giảm sự ủng hộ cho phương Tây ở các nước ở Bán cầu Nam.

Nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Ai Cập, Pakistan, Iraq, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí cả Thụy Sĩ và Áo đã không tham gia hoàn toàn vào các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo các nhà quan sát Michael Gfoeller và David H. Rundell, Nga không có lý do an ninh hợp pháp để phản đối Ukraine gia nhập EU. Vì thế, tư cách thành viên của EU cho Ukraine nên là điều kiện được tuyên bố rõ ràng cho bất kỳ thỏa thuận nào để chấm dứt xung đột, cùng với các cam kết từ các nước phương Tây để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine. Cùng thời điểm, phương Tây cũng cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế lên Moscow bởi chúng dường như gây tổn thất cho châu Âu nhiều hơn Nga.

Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được những gì mình muốn nhưng nếu thử, có lẽ chúng ta sẽ nhận được những gì mình cần, các nhà quan sát nhận định khi đánh giá về khả năng đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine./.

 VOV.

Lượt xem: 1

Trả lời