Cuộc tấn công bất ngờ bằng UAV hé lộ cách Ukraine đối phó trận địa tên lửa của Nga

Cập nhật 14/5/2023, 07:05:13

Khi Nga tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các thành phố của Ukraine, Kiev đã sử dụng máy bay không người lái nhắm vào các phương tiện phóng tên lửa của Nga.

Lý do Ukraine phải thay đổi chiến thuật

Ukraine được cho là đã tấn công các căn cứ không quân bên trong lãnh thổ Nga, nơi chứa máy bay ném bom được trang bị tên lửa, đồng thời tấn công các căn cứ trên bán đảo Crimea hỗ trợ Hạm đội Biển Đen và tàu chiến gắn bệ phóng tên lửa của lực lượng này.

Một số nhà phân tích cho rằng, chiến thuật này nhằm đối phó với nỗ lực của Nga nhằm làm suy kiệt thậm chí vô hiệu hóa lá chắn phòng không của Ukraine. Mặc dù các hệ thống phòng không của Ukraine đã phần nào phát huy hiệu quả trong việc ngăn Nga chiếm ưu thế trên không, nhưng chúng không thể bắn hạ tất cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mà Nga sử dụng, chưa kể những vũ khí siêu thanh có tốc độ cao.

Ngay cả hệ thống lá chắn Vòm Sắt mà Israel cung cấp cho Ukraine cũng chỉ đủ sức phá hủy một phần nhỏ số lượng tên lửa dội xuống lãnh thổ nước này. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi Ukraine sắp cạn kiệt tên lửa phòng không và đạn pháo. Đây là lý do Ukraine buộc phải thay đổi chiến thuật.

Các chuyên gia cho rằng, dù là tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo liên lục địa, việc phá hủy tên lửa, bệ phóng và kho tiếp nhiên liệu của chúng ở trên mặt đất sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc đánh chặn khi chúng đang bay. Bà Dara Massicot, chuyên gia về quân đội Nga tại tổ chức tư vấn RAND Corporation (Mỹ) nhận định: “Tấn công các bệ phóng có thể là cách hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề”.

Những cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào căn cứ và nơi tập kết khí tài quân sự có thể làm gián đoạn khả năng phóng tên lửa của Nga, cho dù đó là tên lửa được phóng từ máy bay ném bom bay dọc biên giới Nga-Ukraine hay từ các tàu của Hạm đội Biển Đen. Trước đó, Nga đã điều các tàu chiến từ khu vực Caspian Flotilla đến để tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Biển Đen.

Ví dụ điển hình của cuộc xung đột phi đối xứng

Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, các tàu chiến của Nga từ một số nơi khác, chẳng hạn như căn cứ của Hạm đội phương Bắc, đã không thể đi vào Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế việc tàu chiến Nga đi qua Địa Trung Hải đến Biển Đen qua eo biển của mình theo Công ước Montreux.

“Hạm đội Biển Đen là một nút thắt quan trọng. Nếu các tàu chiến của Nga bị vô hiệu hóa, không thể phóng tên lửa Kalibr nữa, thì Nga không thể đưa thêm khí tài hải quân vào đây”, nhà phân tích Dara Massicot nhận định.

Mặc dù Hạm đội Biển Đen có thể phong tỏa các cảng của Ukraine, nhưng Kiev được cho là gây ra những thiệt hại không hề nhỏ cho lực lượng này. Ukraine từng tuyên bố sử dụng tên lửa chống hạm phóng từ đất liền đánh chìm tàu tuần dương Moskva của Nga vào tháng 4/2022.

Sau khi tàu tuần dương Moskva bị chìm, tàu khu trục lớp Grigorovich, có tên gọi Đô đốc Makarov đã trở thành soái hạm chính trong Hạm đội Biển Đen. Nhưng vào tháng 10/2022, con tàu đã bị hư hại trong một vụ tấn công bằng xuồng không người lái. Dù mức độ hư hại không quá nghiêm trọng nhưng điều này buộc Nga phải tìm cách chống lại mối đe dọa mới.  Hồi tháng 4/2023, Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đốt cháy một kho nhiên liệu lớn tại căn cứ hải quân Nga ở thành phố Sevastopol, trên bán đảo Crimea.

Kiev cũng bị nghi ngờ đã tiến hành một số cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ không quân bên trong lãnh thổ Nga. Vào tháng 12/2022, máy bay không người lái mang thuốc nổ đã lao xuống hai căn cứ không quân ở phía Đông Moscow – cách biên giới Ukraine hàng trăm km. Đây là nơi đặt máy bay ném bom tầm xa Tu-160 và Tu-95, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga.

Ukraine cũng đã sử dụng nhiều loại vũ khí – từ máy bay không người lái thời Liên Xô đến tên lửa dẫn đường HIMARS do Mỹ sản xuất để làm gián đoạn nguồn cung cấp đạn dược của Nga. Nhà phân tích Massicot lưu ý: “Đã có những cuộc tấn công vào các tuyến đường vận chuyển đạn dược tới tiền tuyến của Nga”.

Theo các nhà quan sát, chiến thuật mà Ukraine đang thực hiện là một ví dụ điển hình của cuộc xung đột phi đối xứng. Ukraine ở thế bất lợi hơn về binh lực và vũ khí, nhưng họ đã sử dụng công nghệ tiên tiến chẳng hạn như máy bay không người lái để tìm cách cân bằng.

Song Nga đang dần thích nghi và tìm cách đối phó với chiến thuật mới của Ukraine. Moscow đã di chuyển những kho đạn dược hoặc máy bay ở gần tiền tuyến tới các khu vực nằm ngoài tầm bắn của pháo binh Ukraine.

“Họ có rất nhiều căn cứ không quân và họ đã tái bố trí các khí tài quân sự này”, chuyên gia Massicot nhấn mạnh. Chiến thuật của Ukraine đã đạt được một số hiệu quả nhất định khi buộc Nga phải tính toán lại việc triển khai vũ khí và thiết bị quân sự, nhưng điều này sẽ không kéo dài.

“Nga đã rút ra được những bài học kinh nghiệm và sớm hay muộn, nước này cũng sẽ tìm ra cách thức vô hiệu hóa chiến thuật của đối phương”, bà Dara Massicot lưu ý./.


Lượt xem: 1

Trả lời