Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua báo cáo chỉ trích những cải cách luật pháp gần đây của Ba Lan dẫn tới cuộc khủng hoảng Hiến pháp ở nước này.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban này đưa ra chỉ trích như vậy đối với một nước thành viên của Liên minh châu Âu. Ngay lập tức, Ba Lan cũng có những phản ứng đầu tiên.
Tranh cãi về nguyên tắc pháp quyền giữa Ba Lan và Ủy ban châu Âu nổ ra sau khi Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội và lên nắm quyền tháng 10 năm 2015.
Đảng này đã tiến hành một loạt cải cách, trong đó có việc thay đổi thành phần các chánh án Tòa án Hiến pháp và thông qua luật thay đổi cơ chế hoạt động của tòa án có quyền lực tối cao này tại Ba Lan.
Bất chấp phán quyết của Tòa án Hiến pháp cho rằng những thay đổi này là vi hiến, Chính phủ của Đảng Pháp luật và Công lý tuyên bố phán quyết của tòa là không có giá trị và vẫn tiến hành các kế hoạch cải cách như dự định.
Những gì mà Chính phủ mới thực hiện đã gặp phải chỉ trích mạnh mẽ của dư luận trong nước và đặc biệt gây quan ngại cho Ủy ban châu Âu. Lo ngại liệu những thay đổi vừa qua ở Ba Lan có thể vi phạm những nguyên tắc cơ bản của Liên minh châu Âu, Ủy ban châu Âu đã mở điều tra sơ bộ vào tháng Giêng 2016 và tiến hành đối thoại với Chính phủ Ba Lan để tìm cách tháo gỡ bế tắc hiện nay.
Phát biểu với báo chí tại thủ đô Brussels của Bỉ ngay sau cuộc họp của Ủy ban châu Âu ngày 1/6, Phó Chủ tịch ủy ban Frans Timmermans cho biết bất chấp những nỗ lực của cả hai phía, bao gồm các cuộc đối thoại được mô tả là mang tính tích cực và xây dựng kể từ tháng 1/2016, vẫn chưa có giải pháp nào được đưa ra để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Tuy nhiên, ông Timmermans khẳng định không ai khác, chính các nhà lãnh đạo Ba Lan phải giải quyết cuộc khủng hoảng này và Ủy ban châu Âu EC sẵn sàng hợp tác để tháo gỡ bế tắc hiện nay.
Ông Timmermans nói: “Cần phải nói nõ là Ủy ban châu Âu không có ý định và không muốn can thiệp vào bất kỳ tranh chấp chính trị nào của Ba Lan. Đây là vấn đề của Ba Lan chứ không phải của Ủy ban châu Âu.
Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo nguyên tắc luật pháp được thực thi theo đúng tinh thần của Hiệp ước Liên minh châu Âu. Chúng tôi luôn khuyến khích sự tiến bộ và sẵn sàng giúp Ba Lan tìm ra giải pháp nhanh và hiệu quả. Chúng tôi sẽ làm tất cả để đẩy nhanh quá trình này và sớm kết thúc cuộc khủng hoảng này”.
Ngay sau khi Ủy ban châu Âu thông qua báo cáo nhận xét nói trên, Bộ trưởng tư pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro đã lên tiếng phản đối, cho rằng đánh giá của EC hoàn toàn không khách quan.
Ông Ziobro nói rằng ông ngạc nhiên và không hài lòng với nhận xét của EC cho dù chính phủ Ba Lan đã có những cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Ủy ban này. Theo ông Ziobro, Chính phủ Ba Lan đang tích cực tìm kiếm một giải pháp mang tính thỏa hiệp ở trong nước để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Ba Lan sẽ có hai tuần để xem xét cải thiện tình hình và gửi báo cáo phúc đáp tới Ủy ban châu Âu trước khí ủy ban này có những quyết định tiếp theo. Ở tình huống xấu nhất, Ba Lan có thể sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Ủy ban châu Âu, trong đó bao gồm việc tước bỏ quyền được bỏ phiếu của nước này tại Hội đồng châu Âu.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, một lệnh trừng phạt như vậy khó có thể được đưa ra trên thực tế. Bởi nó cần phải có sự chấp thuận của 27 nước thành viên còn lại của Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Hungary là nước đầu tiên lên tiếng phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Ba Lan./.
VOV
Lượt xem: 38