Xót xa bữa ăn của SV tình nguyện

Cập nhật 06/8/2016, 15:08:58

Khi nhắc đến sinh viên tình nguyện, thường mọi người thường nghĩ tới những thanh niên đầy nhiệt huyết, những công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa với cộng đồng. Nhưng trong phóng sự này, chúng tôi muốn đề cập đến một vấn đề khác, vì là tế nhị nên ít ai để ý, nhưng không thể không nói, đó chính là bữa ăn của sinh viên tình nguyện. PS được thực hiện tại xã Đak Jơ Tar, huyện Mang Yang.

Khi nhắc đến sinh viên tình nguyện, thường mọi người thường nghĩ tới những thanh niên đầy nhiệt huyết, những công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa với cộng đồng. Nhưng trong phóng sự này, chúng tôi muốn đề cập đến một vấn đề khác, vì là tế nhị nên ít ai để ý, nhưng không thể không nói, đó chính là bữa ăn của  sinh viên tình nguyện. PS được thực hiện tại xã Đak Jơ Tar, huyện Mang Yang.

7.8xotxa

Những bữa cơm như thế này là để tiếp thêm năng lượng để những sinh viên trong đội tình nguyện tiếp tục các công việc mà không ít trong số đó là lao động tay chân

Mỗi ngày, một nhóm 4 người được phân công đảm nhiệm công việc hậu cần để lo việc ăn uống cho cả đội gồm 30 sinh viên tình nguyện đến từ Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Nhưng dù là nhóm nào thì cũng khó lòng cải thiện được chất lượng của bữa ăn bởi số tiền quy định để đi chợ mỗi ngày khiến bất cứ bà nội trợ khéo léo nào cũng phải giật mình.

SV Trần Thanh Phong, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Mỗi ngày thủ quỹ sẽ đưa cho hậu cần 100 nghìn để hậu cần mua đủ thức ăn cho một ngày. Hậu cần sẽ phân chia ra ba buổi, ví dụ sáng mình ăn cháo, cơm của ngày hôm qua còn. Nấu cháo, mì tôm tụi em mua về vẫn phải tính tiền. Rồi trưa phân chia ra, một món xào với một món thịt hay là cá gì đó , như canh mình mua một trái bầu, để hạn chế bầu lại mình về mình cắt bầu ra để cho nồi canh trở nên phong phú/ Thiếu chất thì chắc cũng thiếu nhưng mà đi tình nguyện thì ăn cơm nhiều, chủ yếu là cơm”.

Phải nhấn mạnh là: 100 ngàn thức ăn nấu 3 bữa cho 30 người. Với giá cả thực phẩm như hiện nay, chắc không phải chỉ riêng nhóm phóng viên chúng tôi cảm thấy xót xa khi tận mục sở thị bữa ăn của các bạn sinh viên tình nguyện. Những bữa cơm như thế này là để tiếp thêm năng lượng để những sinh viên trong đội tình nguyện tiếp tục các công việc mà không ít trong số đó là lao động tay chân. Bởi thế, việc duy trì chế độ ăn ròng rã hơn tháng trời tham gia chiến dịch Mùa hè xanh làm sao tránh khỏi tình trạng đuối sức. Cũng may là sức trẻ mà trên hết là tinh thần tình nguyện vì cộng đồng đã giúp các sinh viên vượt mọi khó khăn và để lại nhiều ấn tượng đẹp ở mặt trận làng Đê Bơ Tưk.

SV Nguyễn Thị Bé Lan,  ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nói chung bổ sung mấy chất rau còn thịt không có nhiều  nhưng với tinh thần đoàn kết của anh chị em mình cùng làm cùng ăn, cùng được ăn cơm với nhau cùng đi làm thế là vui rồi. Đối với như thế này cảm thấy đầy đủ hơn ở các mặt trận khác mà các anh chị đã đi”.

Trong khoảng thời gian hơn 1 tháng, từ ngày 27/6 đến 5/8, chắc chắn hiệu quả mang lại từ những công trình, phần việc tình nguyện chỉ dừng lại ở một chừng mực nào đó, nhưng không thể phủ nhận nhiệt huyết tuổi trẻ đã mang đến một làn gió mới cho những buôn làng đồng bào DTTS vốn quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu.

Anh Lê Hồng Trực, Bí thư Chi bộ làng Đê Bơ Tứk, xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang cho biết: “Làng này là làng rất khó khăn thì anh em thanh niên về cũng vận động được bà con chuyển biến được một số về tinh thần giảm uống rượu, rồi tình hình đưa con em tới để bồi dưỡng trong dịp hè để chuẩn bị cho năm học mới thì anh em làm rất là tốt. Trong thời gian tới cũng mong các cấp đoàn cấp trên những năm sau để dần dần đưa bà con vào nề nếp hơn.

Thế nhưng, sức trẻ, nhiệt huyết cống hiến cho người dân vùng khó đang được nuôi sống theo đúng nghĩa đen của nó bằng chính sự tự thân vận động của các bạn sinh viên tình nguyện. Theo tìm hiểu, Đội tình nguyện ở làng Đê Bơ Tưk này ngoài phần quà hỗ trợ 1 triệu đồng từ Tỉnh đoàn Gia Lai và 1,5 triệu đồng hỗ trợ của đơn vị chủ quản Trường ĐH Nông lâm TP. HCM để chi phí các hoạt động trong chiến dịch thì chi phí sinh hoạt ăn uống hàng ngày đều từ nguồn tự đóng góp của các sinh viên tham gia. Dự kiến toàn chiến dịch, mỗi sinh viên sẽ đóng góp từ 500 – 600 ngàn đồng.

Với tính cách tếu táo của sinh viên, chất lượng bữa ăn sẽ không phải là vấn đề cần bận tâm, nhưng thử hỏi việc duy trì chế độ ăn như vậy ròng rã hơn tháng trời liệu có phải là điều chỉ cần tặc lưỡi là có thể cho qua? Còn với ba mẹ, gia đình các em, nếu biết được bữa ăn của con em mình trong suốt chiến dịch liệu có còn sẵn lòng, động viên các em tham gia chiến dịch

Hi vọng rằng, những hạt mầm của lý tưởng sống tốt đẹp mà các sinh viên tình nguyện đang gieo trong từng hành động mỗi mùa chiến dịch mùa hè xanh sẽ được nhiều người có trách nhiệm cùng chung tay chăm sóc, ngay từ những việc nhỏ như chất lượng bữa ăn./.

Hoà Giang – Thanh Vui- Viễn Khánh

 

 

 


Lượt xem: 389

Trả lời