Xoay quanh ý kiến của giáo viên về tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025

Cập nhật 14/3/2024, 16:03:22

Tính đến năm học 2023 – 2024, Gia Lai là một trong 8 địa phương trên cả nước còn duy trì phương thức xét tuyển đối với học sinh từ lớp 9 lên lớp 10. Tuy nhiên, qua nhiều năm duy trì xét tuyển, bên cạnh những ưu điểm thì đã bộc lộ một số mặt hạn chế như: Chỉ tiêu tuyển sinh giao các trường THPT đôi lúc còn khá bị động, thậm chí có trường phải điều chỉnh tăng chỉ tiêu; ngoài ra còn tạo ra tâm lý lười học của không ít học sinh vì hầu hết các em đều cho rằng miễn được công nhận tốt nghiệp THCS là được nhiên sẽ được tuyển vào học bậc THPT. Nhằm khắc phục một số hạn chế nêu trên, dự thảo về tuyển sinh kết hợp giữa xét tuyển với thi tuyển đã được Sở GD&ĐT Gia Lai đưa ra.

Tại Hội nghị bàn phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 – 2025 được Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai tổ chức vào đầu tháng 3/2024, hầu hết các đại biểu đều ghi nhận việc xét tuyển đối với học sinh lớp 9 lên lớp 10 tỉnh Gia Lai đã duy trì trong nhiều năm qua đã giúp giảm chi phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm, giảm áp lực cho học sinh. Thế nhưng, việc duy trì phương thức xét tuyển kéo dài như vậy cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, một kì thi tuyển theo phương thức mới trong năm học 2024 – 2025 chắc chắn sẽ đánh giá thực chất hơn đối với chất lượng dạy học ở các trường THCS hiện nay.

 Thầy giáo Nguyễn Đình Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku cho biết: “Theo tôi xuất phát từ hạn chế đó thì việc đổi mới phương thức tuyển sinh trong giai đoạn tới đây là điều cần thiết,  thứ nhất là qua phương thức tuyển sinh được Sở GD&ĐT dự thảo kết hợp thi tuyển và xét tuyển việc đánh giá học sinh THCS sẽ đồng đều hơn và công bằng hơn cho các em khi thi vào lớp 10 và những thông tin về kì thi đó sẽ giúp cho các cấp quản lý là phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT đánh giá được tình hình dạy học ở cấp THCS của từng trường. Thứ hai là kỳ thi sẽ giúp cho các em thay đổi nhận thức về học tập, tuy có tăng một chúng về áp lực kỳ thi nhưng nó sẽ tạo ra được động lực mới cho các em trong quá trình học tập từ cấp 1, cấp 2, cấp 3.”

Phần lớn thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy các em học sinh ở khối THCS đều đồng tình cho rằng, mặc dù tỉnh Gia Lai triển khai thi tuyển đối với học sinh lớp 10 có chậm hơn so với nhiều tỉnh, thành khác; song khi thực hiện giữa xét tuyển và thi tuyển sẽ đảm bảo được nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là giúp học sinh nâng cao ý thức học đồng đều các môn học.

Thầy giáo Nguyễn Công Hoan – Hiệu Trưởng Trường THCS Trần Phú TP. Pleiku nêu: “Theo ý mình nếu như bỏ hẳn xét tuyển chỉ thi  tuyển thôi thì rõ ràng việc học tập các em trên lớp đối với các môn các em không xác định thi tuyển, ví dụ có 3 môn Toán, Văn, Anh Văn thì các môn khác các em sẽ không chú trọng, việc học các em có thể sẽ không quan tâm dẫn tới các em học lệch rất lớn môn học. Vì vậy nếu chúng ta kết hợp hài hòa giữa xét tuyển và thi tuyển thì chúng ta vừa đảm bảo các em học đồng đều tất cả các môn ở phổ thông một các đồng đều, hài hòa và các em cũng có thể phát huy những môn sở trường của mình.”

Thầy giáo Lê Hữu Tuấn Anh – Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku bày tỏ: “Đối với cá nhân tôi thì việc thi tuyển vào lớp 10 THPT lẽ ra chúng ta phải làm lâu rồi. Đối với địa phương như tỉnh Gia Lai thì Tp. Pleiku có đặc thù riêng, việc xét tuyển trong những năm qua đã có những tác dụng tích cực, tuy nhiên trước việc thực hiện CT GDPT 2018 thì xét về phẩm chất năng lực đòi hỏi học sinh phải có nhận thức và có một sự đáp ứng cao hơn. Chính vì vậy cho nên tôi rất là đồng ý việc kết hợp xét với thi tuyển vào lớp 10 THPT.”

Bên cạnh nhiều ý kiến của giáo viên đồng tình với phương án xét tuyển kết hợp với thi tuyển đối với học sinh lớp 9 vào lớp 10 tại các Trường THPT thì vẫn còn một số ý kiến băn khoăn liệu việc áp dụng phương thức tuyển sinh mới ngay trong năm học 2024 – 2025 có sớm và nên chăng chúng ta cần điều chỉnh giữa tỷ lệ học bạ (xét tuyển) với tỷ lệ điểm thi (thi tuyển) cho phù hợp với học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Diễm – Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku cho biết: “Hình thức dự thảo mà Sở GD&ĐT đưa là tỷ lệ 70 – 30 thì nên chăng ta điều chỉnh tỷ lệ cho phù hợp đó là 60 – 40 vừa đánh giá học bạ, vừa lấy điểm thi của các em. Nhưng bản thân tôi là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy chương trình GDPT 2018 từ lớp 6 đến lớp 8 năm học này thì hình thức thi thi tuyển có còn phù hợp, thích nghi theo CT DPT 2018 cho những năm học kế tiếp nữa hay không. Qua đây cũng mong chúng ta có một nhìn nhận khách quan và đánh giá chính xác nên hay không nên với hình thức thi tuyển hay xét tuyển.”

Hiện Sở GD&ĐT Gia Lai đang xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án thí điểm kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển đối với các trường THPT công lập không chuyên biệt trên địa bàn Tp. Pleiku trong năm học 2024 – 2025, sau đó sẽ mở rộng dần phương thức này đối với các địa phương có nhiều trường THPT. Trên cơ sở kết quả đạt được trong công tác triển khai phương thức tuyển sinh mới, Sở GD&ĐT Gia Lai tiếp tục nghiên cứu triển khai từng phương án tuyển sinh cho phù hợp với xu thế của cả nước cũng như điều kiện đặc thù  của địa phương./.

Lệ Xuân – Duy Linh


Lượt xem: 1

Trả lời