Xây dựng mô hình sản xuất lúa nước đầu tiên ở xã biên giới Ia Púch

Cập nhật 03/12/2021, 10:12:17

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, nhất là trong đồng bào DTTS tại địa phương, vừa qua, UBND xã Ia Púch, huyện Chư Prông đã bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa vụ Đông – Xuân năm 2021 – 2022. Đây được xem là hoạt động có ý nghĩa quan trọng để khởi đầu cho việc khuyến khích người dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng không hiệu quả sang sản xuất lúa nước trên địa bàn xã biên giới Ia Púch.

Theo thói quen canh tác, bao đời qua, bà con DTTS trên địa bàn xã biên giới Ia Púch nói riêng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nói chung chỉ trồng lúa rẫy. Một năm chỉ sản xuất được 1 vụ cộng với năng suất thấp nên hiệu quả kinh tế từ cây lúa không cao, may mắn lắm bà con mới đủ lúa gạo để ăn trong năm.

 Chị Siu Mông, Làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông chia sẻ: “Trong nương có một ít, gặt chỉ 1 bao, 2 bao thôi không đủ ăn đâu. Năm nay năng suất  không được đâu, ít hơn năm ngoái, kém lắm”.

Để từng bước thay đổi phương thức canh tác kém hiệu quả đó, đặc biệt là tận dụng được nguồn nước tưới từ công trình Hồ Thủy lợi Ia Púch đã được bàn giao và đưa vào sử dụng, giữa tháng 11 vừa qua, UBND xã Ia Púch đã bắt đầu triển khai mô hình sản xuất lúa vụ Đông Xuân năm 2021 – 2022 với diện tích trên 1 hecta tại làng Chư Kó. Đây vốn là phần đất được bà con trồng cà phê, điều nhưng không đạt năng suất. Cùng với hỗ trợ cải tạo từ đất, địa phương cũng sẽ hỗ trợ kinh phí về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân.

Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ia Púch, huyện Chư Prông cho biết: “Hiện nay khó khăn nhất, nguồn kinh phí cải tạo đồng ruộng chưa có. Để tưới được 60 hecta trồng lúa nước trong quy hoạch cải tạo lòng hồ chưa được đầu tư. Do đó, vừa rồi chúng tôi đã phối hợp với công ty Bình Dương và các đơn vị quân đội như Đồn biên phòng để hỗ trợ việc khai hoang, hỗ trợ 1 phần vật chất để giúp các hộ dân thực hiện mô hình điểm này”.

Ông Kpuih Klin, Làng Chư Kó, xã Ia Púch, huyện Chư Prông nói: “Nhà nước đầu tư phân vi sinh, phân hóa học, giúp khai hoang, mình chỉ bỏ ra phân bò và công làm thôi. Mong rằng sẽ thu hoạch được nhiều lúa. Nếu làm có hiệu quả thì mình sẽ mở rộng diện tích để trồng lúa nước”.

Được biết, đây là mô hình trồng lúa nước đầu tiên cho bà con DTTS trên địa bàn xã Ia Púch. Nếu thành công, địa phương sẽ tiến tới nhân rộng mô hình này nhằm tận dụng được sức tưới 60 hecta khu vực quanh hệ thống kênh mương thủy lợi để sản xuất lúa 2 vụ. Tuy nhiên, để biến mục tiêu này thành hiện thực không phải là điều đơn giản.

Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ia Púch, huyện Chư Prông cho biết: “Để nhân rộng mô hình điểm này phải cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự quan tâm đầu tư của cấp trên về khai hoang, đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng. Bước đầu rất khó khăn, người dân chưa quen việc trồng lúa nước, mới quen với trồng lúa 1 vụ. Cho nên chúng tôi phải khảo sát, lựa chọn hộ tâm huyết, đủ điều kiện để thực hiện việc này”.

Thay đổi thói quen canh tác lâu đời là việc không hề dễ dàng. Do đó, việc thành công mô hình điểm với hiệu quả cao là điều hết sức quan trọng. Xác định điều này, UBND xã Ia Púch đã xây dựng kế hoạch thực hiện rõ ràng với quy trình sản xuất lúa nước đảm bảo kỹ thuật để hướng dẫn cho các hộ tham gia. Hy vọng với quyết tâm đó cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, vùng biên giới xã Ia Púch sẽ thêm phát triển với những cánh đồng lúa góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con./.

Ngô Thanh, Minh Trung


Lượt xem: 40

Trả lời