Tự cứu mình sau những thất bại của cây hồ tiêu

Cập nhật 16/10/2019, 14:10:55

Sau bao khó khăn, bế tắc khi cây tiêu bị chết do tình trạng mưa lớn kéo dài bất thường năm 2018, trong khi chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước, người dân đã làm gì để tự cứu lấy cuộc sống của chính mình? Phóng sự thực hiện tại huyện Chư Pưh – địa phương có diện tích tiêu chết nhiều nhất tỉnh.

Theo ông Lê Đầu ở thôn Lương Hà, xã Ia Blứ thì mô hình trồng dâu nuôi tằm được xem là mô hình cứu đói nhanh nhất cho người dân trong thời gian qua khi nguồn thu nhập từ cây tiêu không còn nữa. Đất đai sẵn có, chỉ cần ít tiền mua giống dâu về trồng là đã có nguồn thức ăn cho tằm, còn giống tằm thì đầu tư cũng không cao lắm trong khi nguồn thu nhập lại liên tục và ổn định đủ để trang trải cuộc sống trong gia đình

 Ông Lê Đầu cho biết: “Mô hình này trước mắt giải quyết cứu đói tạm thời cho dân ở đây. Thường thì tôi nuôi nửa hộp đạt khoảng 30 kg, còn trung bình 25 kg. Giá công ty mua thấp nhất là 120 ngàn, được hơn 3 triệu đồng từng lứa trong khi chi phí nửa hộp chỉ có 500 ngàn tiền giống, cộng thêm 100 ngàn tiền thuốc, còn lại là lợi nhuận. Cứ hai tuần có khoảng 2,5 triệu đủ chi phí cho gia đình. Giàu thì không nói, nhưng đủ ăn và không cần phải chạy đi đâu nữa hết”.

Sau khi tiêu chết, nợ nần bủa vây, cuộc sống bế tắc… thay vì chọn cách bỏ đi vào thành phố mưu sinh như một số gia đình khác thì vợ chồng bà Nguyễn Thị Đan động viên nhau bám vườn, cố gắng tìm cách cứu gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn. Trên đất trồng tiêu trước đây, gia đình bà Đan cũng trồng dâu nuôi như một số hộ khác, ngoài ra còn trồng thêm la gim, chăn nuôi dê. Nhờ vậy cuộc sống gia đình bà giờ đã dần ổn định trở lại.

Bà Nguyễn Thị Đan – Thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai chia sẻ: “Dâu tằm chúng tôi làm dặm, còn chủ yếu là trồng la gim…Thấy cũng có hiệu quả. Giàu thì chưa giàu được nhưng thấy hiệu quả kinh tế cũng khá cao. Một tháng cũng có được 5-6 triệu trong khi đó còn chăn nuôi, nhiều thứ đắp đổi”.

Với cách mà người dân tự cứu mình như ông Đầu, bà Đan cũng như rất nhiều hộ khác ở huyện Chư Pưh đang làm đã mở ra một hướng đi mới cho người dân nơi đây sau những khó khăn, bế tắc khi cây hồ tiêu không còn. Và điều đáng mừng nữa là, thời gian qua đồng hành cùng với người dân thực hiện con đường lập nghiệp mới, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cứu cánh cho nhiều gia đình.

Ông Lê Đầu – Thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết thêm: “Trước đây chúng tôi đang còn làm tiêu thì nguồn vốn NHCSXH một vài chục triệu chúng tôi cũng không màng tới, chỉ có ngân hàng thương mại mới đủ đáp ứng nguồn lực. Trước đây vào ba chục triệu không to nhưng giờ cũng tạo điều kiện cho chúng tôi có công ăn việc làm, níu kéo dân lại, không bỏ vườn mà đi”.

Bà Nguyễn Thị Đan – Thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai cũng nói: “Gia đình tôi vay một số vốn của NHCSXH. Chuyển đổi cây trồng cũng cần một số vốn. Chúng tôi cũng nhờ vốn NHCSXH hỗ trợ mà từ đó trở đi có vốn mua giống cây để chuyển đổi”.

Ông Nguyễn Khắc Lê – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Từ 2016 đến nay do dịch bệnh cây tiêu, nhiều hộ kinh tế khó khăn. Vì thế NHCSXH mở cơ chế những hộ còn cơ chế cho gia hạn thì thực hiện gia hạn, đối với những hộ có phương án để cơ cấu lại cây trồng vật nuôi. Đối với hộ nghèo, cận nghèo tiếp tục cho vay để chuyển đổi mục đích để thoát nghèo”.

Dọc theo vùng đất một thời bạt ngàn hồ tiêu, giờ đây đang được thay vào là màu xanh của rau màu, dâu tằm và các loại cây ăn trái khác. Nhịp sống mới đang bắt đầu trở lại khi người dân tìm được hướng đi mới. Tuy nhiên để hướng đi mới ấy được ổn định, bền vững và có thể níu chân những người con đang xa xứ trở lại làng quê của mình thì vẫn cần có những định hướng phát triển cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước hơn là để người dân tự loay hoay cứu mình như hiện nay.

Hồng Uyên, Duy Linh


Lượt xem: 160

Trả lời