TP.Pleiku chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn heo

Cập nhật 04/4/2024, 17:04:54

Trước tình hình thời tiết nắng nóng có khả năng làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh dịch Tả lợn Châu Phi trên đàn heo bùng phát, tthời gian qua, thành phố Pleiku đã triển khai các giải pháp nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh.

Gia đình Ông Trần Kim Sơn – Thôn 2, xã Trà Đa, thành phố Pleiku là một trong những hộ chăn nuôi lớn nhất của xã, với quy mô đàn heo trên 120 con, diện tích chuồng trại gần 500 m2. Những năm gần đây gia đình ông đã đầu tư nuôi heo theo hướng an toàn sinh học. Khi thông tin dịch tả lợn Châu phi xuất hiện trên địa bàn, gia đình ông đã chú trọng tiêu độc khử trùng và vệ sinh chuồng trại, nhằm phòng chống dịch bệnh.
Ông Trần Kim Sơn – Thôn 2, xã Trà Đa, thành phố Pleiku chia sẻ: “Công tác vệ sinh phòng dịch tất nhiên là mình phải chủ động. Tuy nhiên bên thú ý thì họ cũng có hỗ trợ thuốc để mình tiêu độc khử trùng chuồng trại. Bên cạnh thì gia đình cũng mua vôi bột rắc rồi quan trọng là mình phải dùng thuốc đều đặn thuốc thì nó mới hiệu quả.”
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa hoặc có thể lây gián tiếp qua người chăm sóc, phương tiện vận chuyển. Hiện nay chưa có vắc xin để điều trị nên nếu bùng phát dịch, tỷ lệ tử vong trên đàn heo rất cao. Vì vậy, các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Pleiku đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh như thường xuyên khai thông cống rãnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng các phương tiện, dụng cụ chăn nuôi; định kỳ 1 – 2 lần/tuần phun thuốc sát trùng và rắc vôi để ngăn chặn phát sinh mầm bệnh.
Bà Lê Thị Kim Ngọc – làng Bông Phun, xã Chư Á, thành phố Pleiku nói: “Gia đình nhà tôi chăn nuôi cũng đã trên 10 năm, trong quá trình 10 năm vừa rồi thì gia đình nhà tôi cũng chưa có xảy ra dịch bệnh gì. Thì khi nghe có dịch bệnh lân cận thì gia đình nhà tôi trước tiên là phòng ngừa về vắc xin rồi rắc vôi khử trùng theo định kỳ và trong quá trình chăn nuôi thì gia đình nhà tôi hết sức cẩn thận về không cho người lạ vô những khu vực chăn nuôi xung quanh và dọn vệ sinh chuồng trại. Nhờ vậy mà đem đến hiệu quả kinh tế rất là cao đối với gia đình tôi.”

Hiện toàn thành phố Pleiku có 69 trại và trên 2.740 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với trên 62.070 con heo. Chăn nuôi phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố. Vì vậy bên cạnh việc quy hoạch vùng chăn nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố còn quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh. Thời gian qua, TP. Pleiku đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn heo như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của các hộ chăn nuôi; tiêm 30.000 liều vắc xin Kép cho đàn heo và vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi; tập trung giám sát dịch bệnh đến từ các hộ chăn nuôi, khuyến khích các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh. Nhờ vậy tình hình dịch bệnh trên đàn heo cơ bản được kiểm soát.
Ông Trần Văn Đăng – Phó Giám đốc Trung Tâm Dịch Vụ Nông Nghiệp Thành Phố Pleiku trao đổi: “Năm 2024, UBND TP đã cấp kinh phí khoảng  1,7 tỷ đồng để mua vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, đặc biệt là đàn heo. Song song với đó thì trung tâm cũng tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các xã phường chủ động công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn bà con nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống dịch cũng như là vệ sinh chuồng trại, khử khuẩn môi trường chăn nuôi và áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân chủ động mua thêm các liều vắc xin đặc  biệt là vắc xin chống các bệnh truyền nhiễm như tự huyết trùng, dịch tả lợn châu phi, lở mồm long móng nhằm không để dịch bệnh phát triển trên địa bàn thành phố.”
Thời gian tới, thành phố Pleiku tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh trên đàn heo, chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh. Qua đó nhằm ngăn chặn, hạn chế tối đa dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào địa bàn, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi./.

Hồng Nguyệt – Duy Tín

 


Lượt xem: 1

Trả lời