Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông qua cầu treo

Cập nhật 16/9/2017, 15:09:12

 Những cây cầu có vai trò rất quan trọng trong việc chuyên chở những chuyến xe qua sông suối, đảm bảo giao thông thông suốt cho người dân. Tuy nhiên theo thời gian nhiều cây cầu đã bị xuống cấp.

Cầu treo bắc qua hồ thủy lợi thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông là một ví dụ. Cây cầu nối liền thị trấn với khu đồi Độc lập- nơi có hàng trăm ha cà phê và các loại cây công nghiệp của nhân dân qua thời gian sử dụng đã dần xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân và các phương tiện mỗi khi lưu thông.

Cầu treo bắc qua hồ thủy lợi thị trấn Chư Prông được đầu tư xây dựng từ năm 2005 với  chiều dài 112 mét, chiều rộng 2,5 mét. Trong tháng 7/2017, do mưa lớn kéo dài cùng với quá trình sử dụng lâu năm, nên phần ván lát mặt cầu đã bị hư hỏng nặng cản trở việc đi lại của người dân, ảnh hưởng đến việc chăm sóc các loại cây công nghiệp của nhân dân. Vì vậy, Ủy ban nhân dân thị trấn đã vận động các hộ dân có diện tích canh tác tại đồi Độc Lập đóng góp kinh phí, mỗi hộ 700 ngàn đồng/ha, trừ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; cùng với gần 30 triệu đồng ngân sách thị trấn để sửa chữa thay ván mặt cầu, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Hoàn Văn Trúc, Tổ dân phố 1, Thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông cho biết: “Cầu này được sửa lại 5 lần rồi. Vận động sức dân làm. Mặt cầu giờ đảm bảo rồi”.

Tuy nhiên, do thiết kế đã lạc hậu và đã quá cũ kỹ nên cây cầu này đang bộc lộ những hạn chế, gây ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển kinh tế của người dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Với trọng tải không quá 1,5 tấn, nhưng mỗi ngày cây cầu vẫn phải gồng mình đưa hàng trăm người, phương tiện và cả xe công nông chở phân bón, nông sản… qua lại. Bên cạnh đó, một số hạng mục của công trình đang bị hư hỏng như: mố cầu bằng đá hộc phía đồi Độc Lập bị xói lở với diện tích khoảng 6m2; các hạng mục dầm ngang, dầm dọc, cáp treo… và các chi tiết bằng sắt khác bị hoen gỉ. Đặc biệt, vào buổi tối, khu vực này không có đèn đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Chị Trịnh Thị Yến, Tổ dân phố 2, Thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông nói: “Dân đi lại 1 ngày rất nhiều, mùa hái cà lượng xe chở rất nhiều. Học sinh trẻ em đi học qua cầu rất nhiều, rất nguy hiểm. Buối tối đi học về, không có điện tai nạn nhiều, học sinh đi học qua cầu ngã xuống rất nguy hiểm, nước rất sâu”.

Anh Thiều Quang Diện, Tổ dân phố 2, Thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông cũng nói: Mùa nông sản chúng tôi không được chở qua, cầu này không đáp ứng được nhu cầu, phải đi vòng, phải trả chi phí cao hơn gấp 3-4 lần. Chân cầu có đoạn đang bị lở ra. Mùa mưa rất nguy hiểm.

Hiện đang trong mùa mưa bão, hiểm họa tai nạn giao thông luôn rình rập và có thể đến bất cứ lúc nào khi hàng ngày người dân phải đi lại trên những chiếc cầu đang xuống cấp như thế này. Để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc, tìm giải pháp giải quyết thực trạng này.

Nhâm Dung, Cao Duy

 


Lượt xem: 109

Trả lời