Thành tựu giảm nghèo của Gia Lai năm 2018

Cập nhật 30/12/2018, 06:12:54

Quan tâm đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM); trong đó tập trung huy động nhiều nguồn lực và đầu tư có hiệu quả cho các chương trình, dự án, các mô hình giảm nghèo, đặc biệt là các mô hình giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Gia Lai đến cuối năm 2018 xuống còn 10,04%; giảm 3,3% so với cuối năm 2017. Giảm nghèo đạt và vượt kế hoạch; tạo nên diện mạo mới cho các thôn, làng, các vùng nông thôn trong tỉnh, và là cơ sở để địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo trong những năm tiếp theo.

Với phương châm hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng; từ nguồn vốn phân bổ hỗ trợ để thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2017-2020”, trên cơ sở danh sách các hộ đăng ký thoát nghèo, xã Ayun, huyện Chư Sê đã lựa chọn và có sự hỗ trợ phù hợp với thực tế sản xuất. Theo đó, đối với các hộ phát triển chăn nuôi thì hỗ trợ bò sinh sản, heo sinh sản bản địa; các hộ sản xuất nông nghiệp thì hỗ trợ cây điều, cây chuối và một số mô hình khác; còn đối với các hộ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản thì hỗ trợ thuyền và lưới cho bà con. Kết hợp vừa nội lực của các gia đình và ngoại lực của Nhà nước hỗ trợ, cùng ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân; kết quả năm 2018, xã Ayun đã giảm được 184 hộ nghèo và tất cả đều là hộ DTTS; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã cuối năm xuống còn 39,14% so với tỷ lệ 57,74% ở thời điểm đầu năm.

Anh Rmah Yon – Làng Dlâm, xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai chia sẻ: ” Trước đây cuộc sống bà con khó khăn nhưng giờ được Nhà nước, địa phương hỗ trợ tạo điều kiện đánh bắt cá như thế này cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều. ”

Một mục tiêu quan trọng trong công tác giảm nghèo của Gia Lai năm 2018 là xóa nghèo cho hộ có công. Rà soát cụ thể đối tượng hộ có công còn nghèo trên địa bàn, ngay từ đầu năm, nhiều giải pháp đã được các địa phương đề ra. Là địa phương có số hộ nghèo là người có công còn nhiều nhất trong toàn tỉnh ở thời điểm cuối năm 2017 với 65 hộ, trong năm 2018, huyện Đức Cơ tiếp tục huy động và tranh thủ nguồn lực, tập trung hỗ trợ sinh kế như vật nuôi, bò giống, phân bón… tạo điều kiện cho các hộ chính sách nghèo còn lại có thêm cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; vươn lên thoát nghèo.

Bà Rơ Châm Heh – Làng Ngol Rông, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai tâm sự: “Gia đình mình có công với cách mạng. Mình không con cái, chồng mất sớm nên Nhà nước quan tâm hỗ trợ. Nhờ hỗ trợ 1 con bò, đến nay bò đã sinh thêm được 2 con nữa; rồi được trợ cấp hàng tháng; có bảo hiểm được khám bệnh cấp thuốc khi đau ốm. Nay nhà mình đã thoát nghèo, không còn hộ nghèo nữa. Vui mừng, phấn khởi lắm. ”

Ông Siu Luynh – Chủ tịch UBND xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: ” Xã cũng đã hỗ trợ 1 số chương trình liên quan đến nông nghiệp. Ngoài ra 1 số hộ khi già cả, đau yếu, đất đai vườn tược họ giao lại cho con cái nhưng mà con cái sau khi lấy vợ, lấy chồng đi ở riêng nên phần diện tích đó giao lại cho những chủ hộ này, và những chủ hộ này khi mà xã nắm bắt được như vậy thì hỗ trợ thêm những vật dụng rồi các phương thức đơn giản để cho các hộ có thể tạo thu nhập cho bản thân mình.”

Gắn thực hiện đồng thời 2 chương trình Mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM, các địa phương đã lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn giảm nghèo. Đặc biệt công tác truyền thông về giảm nghèo được đẩy mạnh đã giúp người dân nâng cao nhận thức về giảm nghèo. Một bộ phận người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo.

Ông Siu Sứ – Chủ tịch UBND xã Ia Tul, huyện Ia Pa, Gia Lai chia sẻ: “Tập trung các chương trình, dự án để đầu tư, hỗ trợ cho hộ nghèo như: Chương trình xây dựng NTM, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên và một số chương trình, dự án khác. Thì chúng tôi ưu tiên cho các hộ đăng ký thoát nghèo trong năm 2018.”

Tính đến cuối năm 2018, số hộ nghèo toàn tỉnh Gia Lai còn 34.873 hộ (giảm 10.467 hộ so với cuối năm 2017). Trong đó hộ DTTS nghèo còn 30.441 hộ (giảm 8.776 hộ). Một số địa phương có mức giảm tỷ lệ hộ nghèo cao như: Huyện Kông Chro giảm 7,28%; huyện Ia Pa giảm 7,11%; huyện Krông Pa giảm 6,26%; huyện Đức Cơ giảm 5,81%; huyện Phú Thiện giảm 4,73%…

Ông Lê Văn Thành – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Gia Lai trao đổi: ” Giải pháp mà căn cơ là làm sao làm tốt công tác phối hợp với UBMTTQVN tỉnh, các ngành, đoàn thể để làm sao mà huy động, vận động được người dân hỗ trợ nguồn lực để hỗ trợ xóa nhà dột nát, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và có kế hoạch trong tiêu dùng. Thứ 2 là sẽ hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, hỗ trợ cho người dân các mô hình trong chăn nuôi, trong sản xuất, trong trồng trọt để mà bà con tham gia có hiệu quả.”

Tỷ lệ giảm nghèo của Gia Lai năm 2018 đạt 3,3%, vượt chỉ tiêu kế hoạch 3% và cao hơn tỷ lệ giảm nghèo 3,21% của năm 2017. Đặc biệt toàn tỉnh đã giảm 380 hộ nghèo là người có công, đạt mục tiêu không còn hộ chính sách nghèo trên địa bàn. Kết quả giảm nghèo của Gia Lai trong năm 2018 chính là sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các đoàn thể cùng quyết tâm thoát nghèo của chính mỗi hộ nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là bà con DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững; đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn vốn giảm nghèo để đầu tư, nâng cấp hạ tầng ở vùng khó khăn, hỗ trợ sản xuất cho người dân; năm 2019, tỉnh Gia Lai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 7,84%, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững./.

Mỹ Tiến-R’Piên.


Lượt xem: 218

Trả lời