Tăng cường tuyên truyền chống kỳ thị của một số nhóm người trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Gia Lai.

Cập nhật 23/3/2020, 14:03:03

 Sở TT&TT tỉnh vừa có công văn đề nghị tăng cường tuyên truyền chống kỳ thị của một số nhóm người trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Gia Lai.

Công văn nêu rõ thời gian gần đây, trên phạm vi cả nước đã xảy ra hiện tượng một số cá nhân, đơn vị có tâm lý kỳ thị đối với người nước ngoài, người bị nhiễm bệnh hoặc đang cách ly vì nghi nhiễm bệnh, đưa thông tin và bình luận tạo nên hiệu ứng “tẩy chay”, “phỉ báng” những bệnh nhân có hành động thiếu chuẩn mực… Tại tỉnh Gia Lai, tuy chưa xảy ra các trường hợp nêu trên, tuy nhiên để tiếp tục thực tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể công chức, viên chức người lao động thực hiện nghiêm chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 102/TB-VPCP và các văn bản khác của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Sử dụng các nguồn tin chính thống từ Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Gia Lai để tuyên truyền tình hình phòng, chống dịch COVID-19 lên mạng xã hội. Không đưa tin hoặc chia sẻ, bình luận có nội dung kỳ thị, xa lánh đối với những người không may bị nhiễm dịch bệnh COVID-19 hoặc những người di chuyển từ vùng dịch về tỉnh Gia Lai. Phản biện những phát ngôn, hành động của cá nhân, tổ chức mang màu sắc kỳ thị hoặc có thể kéo theo làn sóng kỳ thị trong cộng đồng. Vận động mọi người tự giác tham gia khai báo y tế toàn dân. Triển khai tích cực công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên hệ thống thông tin cơ sở, đặc biệt, tăng cường thông tin tuyên truyền bằng tiếng Bahnar, Jrai cho người dân vùng dân tộc thiểu số (những nơi không có hệ thống phát thanh, truyền thanh, truyền hình sử dụng các phương tiện, dụng cụ, hiệu lệnh truyền thống theo quy ước của địa phương để thông báo tới các hộ gia đình để được biết).

Đối với các cơ quan báo chí địa phương cần kiểm tra, rà soát khâu biên tập để tránh dùng những từ ngữ có thể gây tâm lý kỳ thị nhóm dân cư, nhất là đối với người nước ngoài, chiêu đãi viên hàng không, người đi từ vùng dịch trở về địa phương, người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch, tuyên truyền, kịp thời phản biện những phát ngôn, hành động của cá nhân, tổ chức mang màu sắc kỳ thị hoặc có thể kéo theo làn sóng kỳ thị trong cộng đồng để người dân biết, thực hiện. Tăng cường thời lượng, số lượng các tin, bài khuyến cáo, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ nguy cơ và cách thức phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao ý thức của người dân về việc tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; không lơ là, chủ quan nhưng không được gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân./.

BT: Ngô Thanh


Lượt xem: 47

Trả lời