Sức sống mới trên vùng chiến địa xưa – Chư Nghé

Cập nhật 03/9/2023, 19:09:33

Chiến thắng Chư Nghé là dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta. 50 năm sau ngày Chiến thắng, vùng chiến địa bom đạn năm xưa, nay đã chuyển mình, phủ một màu xanh trù phú. Tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân ta trên ngọn đồi Chư Nghé mãi ghi vào trang sử vàng đấu tranh của dân tộc, là hành trang để vùng đất này hồi sinh và phát triển.

Chư Nghé vốn là một cứ điểm độc lập, cách trung tâm Thành phố Pleiku khoảng 44km về phía Tây. Căn cứ Chư Nghé hay còn gọi là Lệ Ninh nằm khá sâu trong vùng giải phóng huyện 4 (nay thuộc xã Ia Krăi, huyện Ia Grai) do Tiểu đoàn 80 Biệt động quân Biên phòng Sài Gòn (Quân đoàn 2 nguỵ) chiếm giữ. Sau hiệp định Paris, địch tăng cường xây dựng Chư Nghé để khống chế hoạt động của quân ta trên hành lang vận tải chiến lược Hồ Chí Minh. Cứ điểm Chư Nghé được xây dựng khá kiên cố trên một quả đồi hình củ lạc, chia thành hai khu vực A và Z, nối thông nhau bằng các chiến hào. Cứ điểm được bao bọc bởi 9 đến 14 lớp rào thép gai các loại, có chông, mìn chống bộ binh và mình chống xe tăng dày đặc…

Tháng 9-1973, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao cho Sư đoàn 320 đứng chân ở hai huyện 4 và 5 của tỉnh Gia Lai mở đợt hoạt động quân sự tiến công địch đang lấn chiếm phía Tây thị xã Pleiku, mục tiêu chủ yếu là căn cứ Chư Nghé, mục tiêu thứ yếu là 2 chốt điểm Đồn Tầm, Thanh Giáo.

Ngày 14-9-1973, sau khi cân nhắc kỹ thực lực của các đơn vị, Bộ tư lệnh Sư đoàn 320 chính thức giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 48 do đồng chí Trần Ngọc Chung làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Thứ làm Chính ủy và các đơn vị tăng cường tiến công tiêu diệt căn cứ Chư Nghé tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tiến công địch lấn chiếm trên đường 19 và 14.

Ngày 21-9-1973, xét thấy thời cơ đánh chiếm căn cứ đã chín muồi, Ban chỉ huy Trung đoàn cho các đơn vị bộ binh vào chiếm lĩnh trận địa. 13 giờ ngày 22-9-1973, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 Thiếu tá Trần Ngọc Chung hạ lệnh tiến công. Sau 3 giờ chiến đấu mưu trí, dũng cảm của Trung đoàn 48 và các đơn vị tăng cường có sự phối hợp của bộ đội, du kích, Nhân dân địa phương, trận đánh cứ điểm Chư Nghé đã kết thúc thắng lợi. Toàn bộ Tiểu đoàn 80 Biệt động quân của địch bị ta bắt sống và tiêu diệt gọn; thu 50 tấn đạn và nhiều vũ khí, trang bị khác. Tuy nhiên những mất mát của ta cũng không hề nhỏ, 18 chiến sỹ hy sinh và 24 đồng chí bị thương trong trận chiến.

Ông Rơ Lan Hlinh – Nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN xã Ia Krăi, huyện Ia Grai bồi hồi kể lại: “Trong chiến dịch Chư Nghé rất nhiều lực lượng, bộ đội chủ lực, dân quân du kích. Người phục vụ chiến đấu. Bà con đem gạo, đem cơm cho bộ đội. Lúc đó mình còn thanh niên, mình đi hái măng nuôi bộ đội. Sau khi giành chiến thắng Chư Nghé bà con rất mừng, bà con phấn khởi lắm.”

Chiến thắng Chư Nghé là đòn trừng trị đích đáng, lời cảnh báo đánh thép của quân và dân ta đối với những kẻ cố tình phá hoại hiệp định Pari, phá hoại hòa bình, góp phần bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng, đảm bảo an toàn con đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh, đặc biệt là giữ được bí mật đường ống dẫn dầu của ta đang mở qua phía Tây tỉnh Gia Lai vào Đông Nam Bộ. Trung tướng Khuất Duy Tiến – Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Cục trưởng Cục quân lực, Bộ Tổng tham mưu nói: “Chiến thắng Chư Nghé mở ra một thời kỳ mới. Chuẩn bị thế cho Mùa xuân năm 1975.”

50 năm sau Chiến thắng Chư Nghé vang dội, cán bộ,  Nhân dân huyện Ia Grai nói chung và xã Ia Krăi nói riêng tiếp tục nêu cao truyền thống cách mạng, đoàn kết xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha ông. Một vùng đồi núi hoang vu với những hố bom, hàng rào thép gai ngày nào giờ đã được thay thế bằng những khu dân cư sầm uất, cùng những vườn cây công nghiệp và cây ăn trái tốt tươi.

Ông Rơ Lan Hlinh – Nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN xã Ia Krăi, huyện Ia Grai phấn khởi nói: “Sau giải phóng đến nay, tôi rất mừng vì sự đổi thay. Trước đây Chư Nghé không phải như thế này đâu. Cây cối, đường đất rất khó khăn. Sau giải phóng được rồi, nhờ chủ trương của Đảng, Nhà nước, rồi công nhân quốc phòng về làm cao su, cà phê. Lúc đó phát triển dần, giờ mới được như thế này, đường sá, trường học mới hoành tráng thế này.”

Xã Ia Krăi hiện có trên 2.700 hộ với trên 10.350 nhân khẩu, trong đó có khoảng 40% đồng bào Jrai đang sinh sống ở 15 thôn, làng. Xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 8,2%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng nông nghiệp đạt 85%, thương mại- dịch vụ  đạt 15%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2022 giảm còn 6,64% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025.

Nét nổi bật của xã Krăi hôm nay không chỉ  thay đổi về diện mạo nông thôn mà đời sống của người dân cũng được nâng lên với những mô hình kinh tế có hiệu quả. Những năm qua, ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, xã  còn tạo điều kiện  để người dân, nhất là hộ nghèo vươn lên  phát triển kinh tế gia đình. Đối với những hộ dân có đất sản xuất, địa phương tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa cây đa con trên cùng 1 diện tích. Đối với hộ nghèo, cận nghèo thì xã phối hợp với Mặt trận, đoàn thể của huyện, các mạnh thường quân hỗ trợ về con giống, cây trồng.

Ông Nguyễn Đức Tấn – Chủ tịch UBND xã Ia Krăi, huyện Ia Grai nói: “Từ khi giải phóng đến nay, đặc biệt là thời gian gần đây về kinh tế thì rất phát triển, phát triển đa chiều. Trên địa bàn xã Ia Krăi có những vườn sầu riêng, có những hộ gia đình thu từ 3-5 tỷ/năm, thậm chí 9 tỷ . Trên địa bàn xã có nhiều có nhiều công ty, doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Về đích nông thôn mới, cơ sở hạ tầng được nâng lên, phát triển kinh tế có nhiều thuận lợi kèm theo.”

Cứ điểm Chư Nghé trước đây giờ đã trở thành thị tứ Ia Krăi, là trung tâm kinh tế – văn hóa – xã hội của xã nói riêng và của vùng biên giới huyện Ia Grai nói chung. Thị tứ này không chỉ sôi nổi hoạt động kinh tế mà còn phát triển nhiều mặt về văn hóa, giáo dục, du lịch.

Năm 2018, “Chiến thắng Chư Nghé” được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Giữa năm 2021, UBND huyện Ia Grai có Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình khu di tích lịch sử này với các hạng mục: nhà bia, cổng chính, sân bê tông… với kinh phí 1,8 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành, là nơi tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong trận đánh Chư Nghé và trở thành điểm đến trong các hoạt động về nguồn  các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài huyện.

Ông Bùi Trọng Yên – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Krăi, huyện Ia Grai cho biết: “Trong Hội Cựu chiến binh của xã có rất nhiều đồng chí tham gia đánh căn cứ Chư Nghé. Tuổi cũng đã xế chiều rồi, tuy nhiên các đồng chí vẫn tích cực tham gia công tác Hội, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền hội viên, thế hệ trẻ trên địa bàn xã về giữ lấy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, tuyên truyền thế hệ nối gót, các cháu phải ghi nhận, tham gia các hoạt động của Đoàn, thường xuyên lau chùi, dọn dẹp khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được tỉnh, huyện, xã quan tâm xây dựng.”

Phát huy truyền thống cách mạng,  Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ia Krăi đã và đang nỗ lực viết tiếp những bài ca chiến thắng trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Minh Thoan – Phương Lộc

 


Lượt xem: 20

Trả lời