Phụ nữ Ia Mơ Nông phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Cập nhật 15/11/2023, 06:11:26

Câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh là 1 trong những CLB được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến khi đến tham quan, trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên trên vùng đất Cao nguyên Gia Lai. Ngoài việc giúp các nghệ nhân có thêm thu nhập, từ đó có động lực nhiều hơn để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, CLB còn sáng tạo, linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm để giữ chân du khách. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc trong nhịp sống hiện đại.

Thành lập hơn 5 năm nay, Câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh hiện thu hút 30 nghệ nhân ở các lứa tuổi tham gia. Bên cạnh dệt nên nhiều sản phẩm may mặc hay tặng phẩm với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm, các thành viên trong CLB còn chịu khó sáng tạo nên nhiều hoa văn bắt mắt, tinh xảo nhằm tạo điểm nhấn trong các sản phẩm thổ cẩm do phụ nữ  trong xã tự tay dệt nên. Khi tay nghề mỗi ngày một nâng cao và được tiếp xúc với nhiều du khách, chị em càng thêm tự tin giới thiệu đến du khách về nghề truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.

Chị Rơ Châm Suyn – Làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh nói: “Nghề dệt này mẹ bày cho, từ nghề dệt này mình có thể làm ra cái túi, quần áo… bây giờ có thể dệt để khách du lịch xem. Mình giữ nghề truyền thống này để có thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống.”

Chị Rơ Châm Háo – Làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh chia sẻ: “Chúng em làm để không thể quên phong tục hồi xưa, người ta làm túi, khố, khăn… bán, mấy chị em cũng vui. Chúng em làm để du khách đến thì làm túi nhỏ, túi lớn, khăn các loại.”

Để nghề truyền thống của dân tộc mãi trường tồn và phát huy trong nhịp sống hiện đại, ngoài việc làm thế nào để truyền nghề cho thế hệ trẻ, điều mà Hội LHPN xã Ia Mơ Nông quan tâm đó là giúp các chị em nói riêng và người dân trong làng nói chung có thêm thu nhập từ Câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó phát huy giá trị của tài nguyên bản địa, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và du khách khi đến tham quan trải nghiệm văn hóa, du lịch cộng đồng tại địa phương.

Chị H’Uyên Niê – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh trao đổi: “Khi nghệ nhân dệt tấm vải giá trị nó cao, nhu cầu tiêu thụ của khách không cần tới nên Hội LHPN chúng tôi thay đổi cách làm, phát triển các sản phẩm thành quà lưu niệm, ví dụ như một tấm vải này chúng tôi có thể may thành túi, ví, áo, các mặt hàng quà lưu niệm, từ đó mình có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Khi họ tới trải nghiệm làng nghề thì có thể mua được sản phẩm vừa hợp túi tiền du khách. Trong mô hình du lịch cộng đồng chúng tôi luân chuyển các nghệ nhân để các nghệ nhân trong làng biết dệt tham gia, ưu tiên những nghệ nhân là phụ nữ nghèo, vì các nghệ nhân là phụ nữ nghèo tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng thì các nghệ nhân trực tiếp nhận được thành quả của mình là thù lao, giúp họ có tinh thần và đam mê hơn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.”

Ông Rah Lan Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh cho biết: “Qua quá trình thành lập cũng tạo điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, chị Uyên – PCT Hội LHPN xã cũng trao đổi với các nghệ nhân, các đoàn trong xã, huyện và tỉnh, thu hút nhiều khách tham quan, từ đó tăng thu nhập cho bà con.”

Tại vòng chung kết Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2023, Dự án “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh” của CLB dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông do chị H’Uyên Niê – Phó Chủ tịch Hội LHPN làm Chủ nhiệm đã vinh dự đạt Giải Khuyến khích của cuộc thi và được Công ty cổ phần sản xuất và nhập khẩu Việt Phúc ký kết hợp tác. Điều này mở ra một tương lai rộng mở để nâng tầm sản phẩm thổ cẩm – Tài nguyên bản địa của bà con DTTS trên địa bàn. Qua đó tạo thêm động lực, giúp người dân nâng cao thu nhập và đời sống, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS Gia Lai ở trong nước và quốc tế.

Thiên Thanh – Viễn Khánh


Lượt xem: 29

Trả lời