Phát huy tính cộng đồng trong bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Cập nhật 31/10/2018, 08:10:07

Nhằm tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trong các ngày (từ 30.11-02/12/2018), tỉnh Gia Lai đăng cai tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Đây không chỉ là ngày hội văn hóa lớn mang tầm khu vực, sự kiện này còn được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong phát triển du lịch ở Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên .
Phải nói rằng: Từ sau Liên hoan văn hóa cồng chiêng Quốc tế lần thứ nhất tổ chức ở Gia Lai năm 2009, tỉnh Gia Lai cùng với các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực tạo thêm nhiều sân chơi, thực hiện nhiều giải pháp, phát huy tính cộng đồng, tính chủ thể để bảo tồn và tiếp thêm sức sống mới cho cồng chiêng .

Lễ hội cồng chiêng

Ngay từ khi ra đời và gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào Tây Nguyên, cồng chiêng đã trở thành tài sản vô giá. Ngày xưa, gia đình, dòng tộc nào sở hữu càng nhiều bộ cồng chiêng thì được cộng đồng làng lấy đó làm thước đo của sự giàu có…

Gia Lai nằm ở vùng Bắc Tây Nguyên, là tỉnh có tỷ lệ DTTS chiếm hơn 45%, chủ yếu là 2 dân tộc Jrai và Bahnar. Nhiều buôn, làng trong tỉnh vẫn đang bảo quản và sử dụng thường xuyên hàng nghìn bộ cồng chiêng trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đó, có nhiều bộ chiêng cổ, chiêng quý được trao truyền qua nhiều thế hệ…

Nghệ nhân Rơmah Phép, xã Ia Rbon, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: “Bộ chiêng này là chiêng Aráp, bộ chiêng mà không phải nhà nào cũng có, ngày xưa, người ta mua bộ chiêng đây phải mất 30 con bò chứ không phải ít, nếu không thì làm gì có được loại chiêng đồng này. Bộ chiêng không phải để đánh tự do mà chỉ dành cho: Một là lễ hội, hai là người chết, ba là nhà mả”.

Qua thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai: Thời điểm trước năm 2015, người dân ở các địa phương lưu giữ khoảng trên 5.600 bộ cồng chiêng và là tỉnh có số lượng cồng chiêng lớn nhất ở Tây Nguyên. Địa phương có nhiều bộ cồng chiêng nhất là huyện Ia Grai, với hơn 1.100 bộ. Không chỉ sở hữu nhiều bộ cồng chiêng nhất, huyện Ia Grai cũng là địa phương có nhiều bộ chiêng quý nhất. Nổi lên như một hiện tượng điển hình là xã biên giới Ia O, nơi có số lượng cồng chiêng lên tới hơn 500 bộ, trong đó, có hơn 300 bộ chiêng quý. Rất nhiều làng thuộc xã Ia O có số lượng cồng chiêng lên tới 70 – 80 bộ, như: Làng , làng Cúc, làng Mít Jép, làng Bi, các làng Lân, làng O mỗi làng có trên 50 bộ. Làng có ít cồng chiêng nhất của xã này là làng Mít Kom cũng có số lượng cồng chiêng lên tới gần 30 bộ… Trên địa bàn xã có nhiều  gia đình lưu giữ trên 5 bộ chiêng, và điều đáng trân trọng nhất là đồng bào ở đây vẫn coi cồng chiêng là những tài sản thiêng liêng nhất, quý giá nhất…

Trong những năm gần đây khi đời sống kinh tế – xã hội phát triển theo cơ chế thị trường đã tác động đến phương thức sản xuất, nếp sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Cuộc sống của bà con  có sự biến đổi, nhu cầu hưởng thụ các loại hình văn hóa truyền thống của từng người, từng gia đình không còn duy trì như xưa. Do đó, công tác bảo tồn văn hóa truyền thồng, trong đó có văn hóa cồng chiêng là nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết. Xuất phát từ thực tế trên, nhiều địa phương ở tỉnh Gia Lai đã phục hồi và duy trì hoạt động của các đội cồng chiêng ở các buôn, làng mà nòng cốt là các nghệ nhân và lực lượng thanh, thiếu niên…

Nghệ nhân Rơ Châm HMút, làng Mông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Tập cồng chiêng cho học sinh tôi mừng lắm, tôi vui lắm, ở làng tôi, tôi tập cho thanh niên là đi thi khắp nơi rồi, đi Hà Nội, Sài Gòn thi đạt giải nhất. Mấy cô giáo, thầy giáo nhờ tôi xuống trường dạy cho các em tôi rất mừng, tập cho các em học sinh nhỏ như thế này các em học rất nhanh, và sau này các em sẽ lưu giữ bản sắc văn hóa không làm mất đi văn hóa truyền thống của đồng bào mình ở đây”.

Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: “Cùng với các tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai đã nỗ lực triển khai thực hiện các hành động mà chính phủ Việt Nam đã cam kết với tổ chức văn hóa khoa học giáo dục của UNESCO, chúng ta đã tạo được nhận thức tương đối đồng bộ từ các cấp ủy đảng, tổ chức chính quyền, mặt trận đoàn thể đến cộng đồng dân cư đến tận mỗi gia đình, người dân trong việc nâng cao trách nhiệm bảo tồn cũng như phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Đến nay, cồng chiêng Tây Nguyên đã được vinh danh qua nhiều lễ hội, sự kiện mang tầm quốc gia và khu vực như: Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai 2009, liên hoan cồng chiêng tại các kỳ tổ chức lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột, Tuần Văn hóa-Du lịch Kon Tum… Sau 13 năm được UNESCO vinh danh, cồng chiêng Tây Nguyên có còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hấp dẫn trong lòng bạn bè bốn phương?, tất cả những câu hỏi này sẽ được phô diễn bằng hình ảnh, âm thanh, sắc màu… trong sự kiện Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tổ chức tại Gia Lai tới đây với chủ đề  “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên”…/.


Lượt xem: 190

Trả lời