Những hiệp sĩ của lòng nhân ái

Cập nhật 05/4/2019, 09:04:41

Phong trào hiến máu tình nguyện chính thức được triển khai tại tỉnh Gia Lai vào năm 2006 và đến nay, hoạt động này đã giúp hàng nghìn người bệnh được cứu sống, được điều trị kịp thời. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc vận động toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện và hơn hết là sự đóng góp của những cá nhân giàu lòng nhân ái.
Họ là những người cho đi giọt máu của mình chỉ vì một mục đích duy nhất là để cứu người. Với họ, cho đi là không cần nhận lại, cho đi là để nhân thêm cơ hội được sống cho những người cần. Chúng ta sẽ cùng đến với những “hiệp sĩ của lòng nhân ái”.

Cuộc gặp gỡ đầy ân tình giữa người cho và nhận máu. Hơn 4 năm trước, khi nghe tin con gái của chị Nguyễn Thị Thu Phong bị bệnh liệt tiểu cầu bẩm sinh, cần phải truyền máu thường xuyên mới khỏe lại được, anh Nguyễn Quang Trung đã không ngần ngại tình nguyện trở thành “kho máu sống”. Đều đặn mỗi tháng, anh lại vào bệnh viện để truyền máu cho người cần.

Chị Nguyễn Thị Thu Phong- Phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Được mọi người, đặc biệt là anh Trung hiến máu cho con tôi, tôi rất mừng, rất xúc động. Tôi rất cảm ơn”.

Hơn 50 lần hiến máu trong suốt 11 năm, anh Nguyễn Quang Trung đã trở thành gương mặt quen thuộc tại các chương trình hiến máu và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Những đóng góp của anh đã được ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen và kỷ niệm chương của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Gia Lai, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Bộ trưởng Bộ Y tế tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện. Đặc biệt, năm 2012 anh vinh dự là 1 trong số 100 người tiêu biểu trên cả nước dự lễ gặp mặt các đại biểu tiêu biểu về hiến máu tình nguyện tại Hà Nội. Và cứ thế, ngọn lửa hiến máu cứu người cứ ngày càng bùng cháy trong anh.

Anh Nguyễn Quang Trung- Phường Hội Thương, thành phố Pleiku, Gia Lai chia sẻ: “Trước đây khi tôi gặp khó khăn, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Giờ mình khỏe mạnh mình lại giúp đỡ người khác. Tôi nghĩ rằng mình sẽ hiến máu cho những người cần, mình cho đi không cần nhận lại. Cứu được người khác là mình vui rồ”i.

Còn anh Đặng Xuân Hường, là cán bộ tại Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Pleiku, cũng là thành viên CLB Hiến máu Nhân đạo Giọt hồng Pleiku. Anh Hường luôn hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao, nhiều lần được cấp trên khen thưởng vì tích cực vận động, tuyên truyền công tác hiến máu tình nguyện đến cán bộ trong cơ quan và cộng đồng theo phương châm: “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Từ khi tham gia vào hoạt động nhân đạo xã hội, anh Hường đã có hơn 20 lần hiến máu tình nguyện. Ngoài những lần hiến máu theo chương trình, anh còn trở thành “đường dây nóng” khi có người cần máu khẩn cấp.

Anh Đặng Xuân Hường- CLB Hiến máu Nhân đạo Giọt hồng Pleiku, Gia Lai cũng nói: “Nghĩ đến mỗi lần hiến máu tuy số lượng nhỏ thôi  nhưng giọt máu của mình cứu sống được nhiều người tôi lại cảm thấy hạnh phúc. Tôi mong muốn phong trào hiến máu tình nguyện sẽ lan tỏa rộng khắp và nhiều người sẽ tham gia hơn nữa”.

Không khó để bắt gặp những “hiệp sĩ hiến máu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Họ chính là những hạt nhân tích cực lan tỏa tinh thần nhân ái trong cộng đồng. Thế nhưng dù tham gia hiến máu nhiều lần hay 1 lần, thì điều ý nghĩa hơn cả của hành động cao cả và nhân đạo này đó chính là người cho đi cảm thấy được niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống, còn người được nhận lại cảm kích bởi tấm lòng của người cho máu, của người thân, cộng đồng mà sống tốt hơn, sống có ích cho xã hội./.

 Nhâm Dung, Cao Duy


Lượt xem: 115

Trả lời