Những bài học kinh nghiệm và triển vọng xây dựng làng nông thôn mới

Cập nhật 28/2/2019, 14:02:27

Qua một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” đã tạo những dấu ấn và đạt được những kết quả rất quan trọng. Qua đó, các địa phương trong tỉnh đã rút ra những bài học và những kinh nghiệm quý để tiếp tục thực hiện Chỉ thị này có sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

 Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” là nét riêng của Gia Lai trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới tại làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, năm 2018, có 32 làng thuộc 30  xã của 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đăng ký xây dựng làng nông thôn mới, đã có nhiều khởi sắc, đến nay có 15 làng đạt các tiêu chí nông thôn mới. Một trong những yếu tố quan trọng để triển khai Chỉ thị số 12 đạt kết quả cao đó là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh thường xuyên bám nắm cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tổ chức xây dựng làng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị để triển khai từng phần việc, từng tiêu chí cụ thể như: Quy hoạch, bố trí sắp xếp lại dân cư một cách khoa học; xây dựng các công trình về giao thông, thủy lợi, trường học, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh…. Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị – xã hội các cấp cùng nhiều đơn vị quân đội trong tỉnh đã đóng góp hàng chục ngàn ngày công lao động cùng với kinh phí để hỗ trợ các địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng làng nông thôn mới, nhất là giúp người dân chỉnh trang nhà cửa tại chỗ và di dời nhà đến nơi định cư mới theo quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ bà con làm chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, làm hàng rào, vườn rau, trồng cây xanh, phát triển sản xuất…

Bà Phạm Thị Tố Hải – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai cho biết: Hưởng ứng thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai những phần việc cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó hỗ trợ hội viên phụ nữ và người dân triển khai các mô hình như làm vườn rau, con đường hoa; vận động bà con thực hiện nếp sống vệ sinh, thay đổi nếp nghĩ cách làm để cải thiện chất lượng cuộc sống…

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 12, các ngành chức năng và các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã tạo những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư duy của người dân, từ đó cùng cộng đồng trách nhiệm xây dựng làng nông thôn mới.

Chị Hồ Thị Viên – Làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai chia sẻ: “Khi xây dựng làng nông thôn mới, được các ngành hỗ trợ, gia đình tôi khẩn trương di dời nhà cửa đến nơi mới và tích cực tham gia các phần việc để góp phần xây dựng làng nông thôn mới”.

Ông  Kpuih Jut – Làng Jut 2, xã Ia Der, huyện Ia Grai, Gia Lai cũng cho biết: “Người dân trong làng rất đồng tình với việc  xây dựng làng mình thành làng nông thôn mới kiểu mẫu. Chi bộ đã chỉ đạo các đoàn thể phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân đều ý thức được vai trò của mình, từ đó có việc làm cụ thể để xây dựng làng ngày càng sạch đẹp, không còn nghèo đói nữa”.

Trong năm 2019, cùng với tập trung thực hiện để hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới tại các làng đã đăng ký trong năm 2018, các địa phương trong tỉnh đã đăng ký xây dựng thêm 39 làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Đinh Xuân Duyên – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết về nội dung trọng tâm sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới trên địa bàn: “Trong quá trình thực hiện xây dựng làng nông thôn mới, trong thời gian tới huyện tiếp tục chú trọng triển khai các giải pháp để hỗ trợ người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát triển sản xuất, từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Ông Nguyễn Minh Phúc – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ia Pa, Gia Lai  trao đổi: “Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Pa đã chỉ đạo đảng ủy các xã trong huyện mỗi năm mỗi xã chọn xây dựng nông thôn mới tại một làng.Đối với việc xây dựng xã nông thôn mới thì đã có tiêu chí cụ thể nhưng xây dựng làng nông thôn mới thì từ trước đến nay chưa triển khai, từ thực tế đó thì huyện đã ban hành những tiêu chí cụ thể từ đó các xã  có cơ sở để tập trung triển khai, phấn đấu đạt tiến độ và kế hoạch đã đề ra.”

Qua một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tạo được phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ về việc xây dựng làng nông thôn mới trên diện rộng, mở ra những triển vọng về phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh./.

 Hà Đức, R’Piên, Xuân Huy, Sơn Trung

                                                                                                              


Lượt xem: 45

Trả lời