Người Jrai sống trọn đam mê với nghề truyền thống

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:37

Làm thế nào để những làng nghề truyền thống tồn tại? Có thể phát triển những làng nghề truyền thống thành những điểm đến du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa của người Bahnar, Jrai hay không? Đây chính là trăn trở và cũng là mục đích của nhiều dự án phát triển làng nghề được triển khai tại Gia Lai những năm qua. Tại làng Ngâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa nếu đầu tư để định hình được làng nghề truyền thống đúng nghĩa của đồng bào Jrai sẽ có nhiều triển vọng phát triển. 

Không phải lúc nông nhàn, cũng không đợi khi nắng xuống chiều lên, bất kì thời gian nào trong ngày du khách cũng có thể bắt gặp những hình ảnh sinh động như thế này khi đến với  làng Ngâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa.

Dưới những tán cây cổ thụ, bên những mái hiên rộng, người già say sưa đan gùi, người trẻ quấn quýt, quây quần bên nhau, dõi theo bàn tay cha ông thoăn thoắt trên những sợi dây mềm. Từ đây những chiếc gùi nhiều màu sắc, kích cỡ bằng chất liệu bền chặt như sợi lồ ô, dây cước được hình thành mỗi ngày, chờ thương lái mang đi các vùng miền. Đây cũng là công việc gắn bó từ rất lâu với những người đàn ông này ở làng Ngâm Thung.

Ông Bát – Làng Ngâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa nói: “Mình gắn bó với nghề này từ hồi thanh niên đến giờ già vẫn làm, bây giờ bọn trẻ thì đi làm thuê, làm rẫy, mình làm nghề này cũng được. Lớp trẻ muốn học thì mình cũng dạy cho nó biết, dễ lắm”.

Ông Glol – Làng Ngâm Thung, xã Ia Pêt, huyện Đak Đoa cũng nói: “Thuở xưa ông cha đi làm xa, đi đường xa đường vòng đều mang gùi theo. Đến bây giờ cũng vậy, đi đâu cũng mang gùi, quý lắm. Gùi mang cơm, gùi đựng nước. Người Jrai mình rất là quý gùi”.

Từ chỗ đan gùi để dùng trong gia đình, bây giờ chiếc gùi đã trở thành thương phẩm có giá trị, đem lại thu nhập đều đặn cho người dân. Để làm ra mỗi chiếc gùi, tùy theo kích thước phải mất từ 1-3 ngày, có giá bán từ 150 ngàn đến 300 ngàn. Nhiều người đan gùi và sáng tạo ra các sản phẩm khác vừa có giá trị sử dụng, vừa là sản phẩm trưng bày với tính thẩm mỹ cao. Những chiếc gùi với hoa văn độc đáo, được làm ra từ bàn tay nghệ nhân mỗi ngày một nhiều lên, chất cao bằng chiều cao của người Jrai trưởng thành.

Ông Grok – Làng Ngâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa cho biết: “Chỗ gùi này mình và người trong nhà làm trong khoảng hơn 3 tuần. Nay mai là họ đến lấy thôi, bây giờ dễ dàng lắm. Có nhiều người mua rồi”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Cán bộ xã Ia Pết, huyện Đak Đoa (phụ trách làng Ngâm Thung) bày tỏ: “Nghề đan lát ở đây giống như đã ăn sâu, ôm sâu vào lòng người dân ở đây, nhà nhà đan lát. Nhất là khi bây giờ thương lái đến thương xuyên, làm bao nhiêu, họ mua bấy nhiêu, vì mẫu mã rất đẹp”.

Làng Ngâm Thung có 958 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Jrai. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng giao thông không ngừng được hoàn thiện, đem lại diện mạo mới cho đời sống người dân. Cùng với sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống đang mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân, nhất là những người già, không phải là lao động chính trong các gia đình. Cuối năm 2022, Ngâm Thung chỉ còn hơn 4% hộ nghèo. Đặc biệt, với vị trí để đến các đại dự án điện gió, nơi đây phù hợp để phát triển một làng nghề gắn với du lịch cộng đồng theo kế hoạch phát triển du lịch của huyện thời gian tới.

Bà Đặng Thị Hoài – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa cho biết; “Để phát triển những làng nghề truyền thống, huyện sắp tới cũng sẽ có những đầu tư cụ thể để tạo ra nơi để người dân quy tụ, trưng bày giới thiệu sản phẩm với du khách. Từ đó phát triển nghề truyền thống trong chuỗi những sản phẩm du lịch địa phương”.

Phát triển làng nghề, gây dựng những sản phẩm du lịch gắn với đảm bảo sinh kế, thu hút được sự vào cuộc của cộng đồng, chính là đích đến của những dự án đầu tư cho du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng đang được triển khai tại Đak Đoa. Và khi được quan tâm đúng mức, làng nghề Ngâm Thung có thể trở thành điểm đến thú vị cho du khách, cũng là giúp cộng đồng Ngâm Thung và người dân Ia Pết được sống trọn đam mê với nghề truyền thống, để lan tỏa hơn nữa những giá trị đặc sắc của văn hóa của cộng đồng người Jrai./.

Minh Lý, Ksor Tuối


Lượt xem: 7

Trả lời