Người dân thiếu vốn đầu tư sản xuất

Cập nhật 13/9/2018, 15:09:21

Thiếu vốn để đầu tư sản xuất chính là nguyên nhân dẫn đến hiện nay phần lớn người dân ở xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa rơi vào tình trạng phải đầu tư nông nghiệp chịu bằng cách mua phân bón trả sau của các đại lý. Khi mua phân bón trả sau như vậy nếu để càng lâu thì tiền lãi phải trả càng nhiều, vì vậy có không ít hộ khi kết thúc mùa vụ có khi không đủ tiền trả nợ.

Gia đình anh Ksor Nen, thôn Marin 1, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa đang thu hoạch vụ lúa Hè – Thu, vụ này theo anh sẽ không có dư là bởi khi lúa đang trong giai đoạn chín thì gặp mưa nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng. Trong khi đó tất cả tiền công cán, phân bón đều mua chịu từ lúc xuống giống cho đến khi thu hoạch và đương nhiên, tiền trả lãi hàng tháng cho các chủ nợ là một gánh nặng với gia đình anh.

Anh Ksor Nen nói: “Mình mượn 10 triệu đồng, tính lãi 1 triệu phải trả 20 ngàn đồng. Nếu trả sớm thì lãi nhẹ hơn, lâu quá thì nhiều lên. Nếu 1 sào lúa mình làm 1 vụ thu nhập không tới 300 ngàn đồng, trừ phân, thuốc, công lao động không còn mấy, trúng lúc lúa đổ nhiều như thế này thì lỗ”.

Anh RăhLen  – Thôn Hlin 1, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa cũng nói: “Mình có 1 ha mì nhưng không có tiền đầu tư do nhà cũng khó khăn nên lấy phân bón của người ta đến mùa mì mới trả. Nếu trả không đủ thì nợ lại thôi.”

Đại đa số người dân ở đây làm nông nghiệp với các loại cây trồng chủ yếu như mì, bắp, thuốc lá và lúa. Nhưng theo tìm hiểu thì nhà nào cũng nợ tiền phân bón và đến mùa thu hoạch mới trả cả gốc lẫn lãi. Có những gia đình mua chịu phân bón đầu tư mỗi năm lên đến vài chục triệu đồng. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều cơ sở kinh doanh phân bón ra đời, một xã nhỏ như Ia Mrơn cũng có đến 7 đại lý kinh doanh mặt hàng này với hình thức là đầu tư trước trả sau.

Ông Nguyễn Ngọc Quy, Chủ đại lý phân bón cho biết: “Nếu bà con mua phân bón bằng tiền mặt nó sẽ rẻ hơn, còn làm lúa thì 6 tháng mới thu lại được tiền, còn mì thì đúng 12 tháng mới lấy lại tiền. Riêng đại lý của tôi có từ 100 đến 150 hộ, nguồn vốn của gia đình cũng không có mà đầu tư nhiều nên người nào có uy tín thì mình mới đầu tư thôi”.

Ông Siu Bol, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa cho biết: “Xã Ia Mrơn đa số là người dân tộc thiểu số làm nông, hiện nay hầu như bà con mượn phân bón đầu  tư. Đương nhiên mượn trước trả sau thì phải có lãi, mà đã tính lãi thì thiệt thòi nhiều cho bà con. Như vậy nếu tính ra cả vùng này người dân nợ thì biết bao nhiêu là tiền lãi”.

Ông  Lương Văn Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa cũng nói: “Trên địa bàn xã các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng chính sách. Mặc dù vậy nhưng nhiều người sử dụng vẫn chưa có hiệu quả, do việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên người dân còn gặp khó khăn trong sản xuất. Nhưng xã vẫn tạo điều kiện tốt nhất cho bà con, xã chỉ đạo HTX nông nghiệp xã tạo điều kiện tốt nhất cho bà con nông dân được tiếp cận nguồn vốn và máy móc vào sản xuất”.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Ia Mrơn hiện địa phương có 1400/2000 hộ dân được tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Những đối tượng được vay gồm những hộ nghèo, cận nghèo hoặc mới thoát nghèo. Tùy vào nhu cầu cũng như khả năng trả nợ của từng gia đình mà các Ngân hàng đưa ra gói vay từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng/hộ. Nhưng theo đánh giá của chính quyền địa phương thì người dân sử dụng đồng vốn trong phát triển sản xuất vẫn chưa thực sự hiệu quả.

 Lệ Xuân, Minh Trung


Lượt xem: 38

Trả lời