Người dân làng Leng Tô đi lên từ mô hình đa dạng hóa cây trồng

Cập nhật 17/4/2019, 08:04:13

Vài năm trở lại đây, khi giá cả các loại cây trồng chủ lực của tỉnh không còn giữ mức ổn định, nhiều hộ nông dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở các địa phương đã chủ động cải tạo vườn, rẫy thay thế bằng một số cây trồng khác và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Về phía chính quyền, đoàn thể địa phương cũng đã xuất kinh phí mua cây giống, hỗ trợ KHKT, giúp bà con có thêm sinh kế, cải thiện thu nhập cho gia đình… Sau đây chúng ta cùng đến với làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ để tìm hiểu rõ hơn về cách làm của những nông dân ở đây.

Những năm qua, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Pơ đã có những đổi thay đáng kể. Kết quả đó có được nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS, bên cạnh đó là sự phấn đấu vươn lên của người dân trong lao động sản xuất… Tại làng Leng Tô, thị trấn Đăk Pơ, nếu như trước đây bà con trong vùng chỉ quanh quẩn với cây lúa rẫy thì nay đã biết sử dụng nguồn vốn lấy ngắn nuôi dài, áp dụng mô hình đa cây, đa con… Nhờ đó, hầu hết những hộ tham gia vay vốn để phát triển kinh tế đều vươn lên thoát nghèo bền vững, có điều kiện tái đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất… Đơn cử như trường hợp của gia đình chị Đinh Thị Gơi, với 1,6 ha đất canh tác, gia đình đã đầu tư trồng các loại cây: Mía, nén, chanh dây, bắp lai… hàng năm đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí…
Chị Đinh Thị Gơi, làng Leng Tô, thị trấn Đăk Pơ, huyện Đăk Pơ, Gia Lai cho biết: “Nói chung dân trong làng bây giờ không ai còn đói nữa. Giờ chính quyền quan tâm chính sách của tỉnh, nhà nước để phát triển con bò, phát triển cây bắp nên người dân không còn nghèo nữa, gia đình mình năm trồng đủ loại cây nên thu nhập cũng được”.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thường, Chủ tịch UBMTTQ thị trấn Đăk Pơ, huyện Đăk Pơ, Gia Lai cho biết: “Có thể nói một trong những giải pháp quan trọng giúp đổi thay diện mạo vùng đồng bào DTTS đó chính là sự hỗ trợ về vốn cùng với việc hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kĩ thuật trong chăn nuôi, sản xuất cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi còn triển khai nhân rộng mô hình, cách vận động người dân trong thay đổi nếp nghĩ cách làm nên bà con đã biết vươn lên, có thể kể đến mô hình này ở làng Leng Tô”.

Không chỉ tại làng Leng Tô, việc cải tạo vườn tạp, áp dụng đa cây, đa con là hướng đi đã được huyện Đak Pơ xác định và triển khai tại nhiều buôn, làng khác, với đích đến là phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Và khi người dân có thêm kinh nghiệm sản xuất, địa phương sẽ chú trọng đầu tư nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao./.

Song Nguyễn, Ksor Tuối


Lượt xem: 138

Trả lời