Ngành giáo dục Krông Pa: Nỗ lực vượt khó hoàn thành mục tiêu năm học 2013-2014

Cập nhật 13/9/2013, 08:09:42

Năm học mới đã bắt đầu, nhưng những khó khăn thì vẫn còn rất nhiều trên vùng đất khó Krông Pa khi bên cạnh việc thiếu cơ sở vật chất, bàn ghế, trang thiết bị dạy và học thì ở một số trường còn thiếu cả đội ngũ cán bộ giáo viên. Nhưng vượt lên trên hết, cán bộ giáo viên ở đây vẫn đầy nhiệt huyết với lòng yêu nghề, Nỗ lực vượt khó hoàn thành mục tiêu năm học 2013-2014.

 

Mới được chia tách từ trường tiểu học xã Ia Dreh từ tháng 4/2013, trên cơ sở điểm trường buôn Trinh. Trường tiểu học số 2, xã Ia Dreh hiện có 18 cán bộ giáo viên, với 14 lớp học, 328 học sinh. Bước vào năm học mới còn bộn bề những khó khăn, thiếu thốn do trường mới được thành lập, nhưng đội ngũ cán bộ giáo viên ở đây đã từng bước khắc phục khó khăn để đảm bảo cho năm học mới. Trao đổi với chúng tôi, thầy Ksor Nhung – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, bước vào năm học mới, nhà trường đã làm tốt công tác tuyển sinh vào lớp 1, tỷ lệ huy động học sinh vào lớp 1 đạt 100% chỉ tiêu giao, năm học này trường có 14 lớp, trong đó có 3 lớp 1. Hiện nhà trường có 14 phòng học, song 4 phòng học đã hư hỏng nặng, không có bàn ghế, nhà trường phải tổ chức học 2 ca và mượn cả nhà văn hóa buôn để cho các em có chỗ học tập. Ngoài ra còn 1 phòng học thì bàn ghế của học sinh THCS, nhận bàn giao từ trường THCS Lê Hồng Phong nên không phù hợp đối với học sinh tiểu học. Mặc dù là khó khăn như vậy nhưng đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường vẫn luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

Cũng tình trạng tương tự, trường THPT Đinh Tiên Hoàng, là trường được thành lập cách đây 4 năm. Bước vào năm học mới 2013-2014 trường có 10 lớp với 410 học sinh, trong đó có 5 lớp 10, công tác tuyển sinh vào lớp 10 được Ban giám hiệu nhà trường thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm túc nên đảm bảo được chỉ tiêu và kế hoạch cấp trên giao. Tuy được xây dựng khang trang, song khuôn viên của nhà trường thì lại quá chật hẹp so với môi trường sư phạm của một trường cấp 3. Được biết, UBND huyện cũng đã thống nhất để mở rộng khuôn viên của trường, song đến nay các cơ quan chuyên môn vẫn chưa triển khai. Do đó nhà trường không có quỹ đất để xây dựng các hạng mục phụ trợ học tập khi được đầu tư, cho nên tuy đã thành lập được 4 năm nay nhưng trường vẫn chưa có phòng học thực hành, phòng thí nghiệm, nhà để xe, sân học thể dục…. về đội ngũ giáo viên tuy vẫn còn thiếu nhưng nhà trường đã chủ động hợp đồng để đảm bảo việc dạy và học trong năm học mới này. Trao đổi với phóng viênThầy Trần Văn Thế-Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: Chúng tôi mong muốn là các cấp các ngành quan tâm nhiều hơn nữa, vì đây là năm thứ tư trường thành lập nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học thì cũng chưa được đầu tư tương xứng. Hiện tại phòng thực hành thí nghiệm, thư viện cũng chưa có, nhà để xe cũng không có, cho nên là việc đổi mới phương pháp theo sự chỉ đạo của ngành gặp không ít khó khăn. Nhà trường mong muốn Huyện ủy cũng như là UBND huyện quan tâm mở rộng khuôn viên nhà trường theo kế hoạch đã được duyệt để có một số hạng mục sắp tới sẽ thuận tiện cho việc bố trí quy hoạch cho khoa học phù hợp với môi trường sư phạm”.      

Năm học 2013-2014, huyện Krông Pa có 52 đơn vị trường, trong đó bậc học mầm non, tiểu học, THCS có 48 đơn vị trường với 699 lớp và gần 19.700 học sinh. Huyện đang có kế hoạch thành lập thêm 2 trường Tiểu học và 1 trường THCS bán trú. Số lượng học sinh đến nay so với kế hoạch đề ra đạt trên 98%. Tuy về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như con người còn thiếu, song ngành giáo dục đã nỗ lực vượt khó sẵn sàng cho năm học mới.

Bà Tạ Thị Hài-Phó Trưởng Phòng giáo dục – Đào tạo huyện cho biết: “Khó khăn đặc biệt nghiêm trọng đến học sinh đó là năm này Chính phủ ra Nghị định 74 thay thế cho Nghị định 49 thì đối tượng học sinh được hưởng chế độ chính sách là vở và sách giáo khoa được cấp không đó là học sinh cho con em hộ nghèo và học sinh cho con em là đối tượng mồ côi cả cha lẫn mẹ, học sinh khuyết tật chỉ có 3 đối tượng này được Nhà nước hỗ trợ sách, vở cấp cho không. Tuy nhiên, đối với một địa phương  có trên 73% học sinh là người dân tộc thiểu số thì lâu nay phụ huynh học sinh thường có thói quen là học sinh đi học là được cấp sách vở do vậy việc chuẩn bị cho con em các đồ dùng dụng cụ học tập còn có khó khăn”.

 

 

 

Đức Mạo


Lượt xem: 90

Trả lời