Nét đẹp của làng trong phố

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:09

Giống nhiều đô thị khác, thành phố Pleiku cũng có những đặc trưng rất riêng về không gian văn hóa của người dân tộc thiểu số. Và các buôn làng truyền thống của người Jrai, Bahnar là một trong những nét độc đáo ở Phố núi Pleiku. Việc bảo tồn làng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ có tác dụng tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc mà còn góp phần đưa văn hóa vào nhịp sống hiện đại, lấy đó làm tài nguyên phát triển du lịch, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân.

Giữa phố xá tập nập nhưng không gian làng Kép, phường Đống Đa, thành phố Pleiku vẫn còn hiện lên với nhiều nét đẹp truyền thống. Nhiều người dân tộc Jrai nơi đây vẫn giữ lại các đặc trưng trong nếp sinh hoạt cũng như trong văn hóa. Trong hối hả của cuộc sống đương đại, nhưng những hoạt động bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống vẫn còn tồn tại, trao truyền như dấu gạch nối gắn kết dân làng bền chặt, tạo thành sức mạnh bền bỉ qua nhiều thế hệ. Bởi với bà con, đây chính là cội nguồn, là quê hương, là bản sắc của dân tộc mình.

Ông Ksor Kol – Làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku nói: “Hiện nay đời sống dân làng thì ổn định hết nhưng chúng tôi vẫn giữ nét đẹp truyền thống, nếu chúng tôi không giữ thì con cháu sau này nó không biết nó là ai”.

Bà Nguyễn Thị Thân – Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa, TP. Pleiku cho biết: “Để giữ gìn được nét đẹp của làng người dân tộc thiểu số, địa phương chúng tôi rất chú trọng khi đã xây dựng những cơ sở văn hóa như giọt nước, tạc tượng hay đội cồng chiêng thì tìm cách giữ gìn, phát huy giới thiệu cho người dân địa phương biết giữ gìn phát huy. Từ chủ thể của người dân thì giữ gìn văn hóa sẽ tốt hơn và bền vững hơn”.

Thành phố Pleiku hiện có 42 làng, trong đó có 39 làng dân tộc Jrai, 3 làng dân tộc Bahnar. Để góp phần bảo tồn nét đẹp truyền thống của buôn làng, nhiều làng dân tộc thiểu số không chỉ duy trì được đội cồng chiêng mà còn thành lập được các câu lạc bộ dệt truyền thống, cùng với nhiều hoạt động văn hoá dân gian khác.

Xuân này, bà Pel đã trải qua hơn 50 mùa rẫy. Hằng ngày, bên khung cửi bà Pel vẫn miệt mài dệt vải. Thật đáng mừng là giờ đây thông qua Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung, xã Biển Hồ gồm 30 thành viên do bà làm Chủ nhiệm, những tấm thổ cẩm đậm chất truyền thống từ xa xưa đã được trao truyền lại cho con cháu. Còn vui hơn khi chính nghề dệt đã góp phần cải thiện thu nhập đáng kể cho người dân.

Bà Pel – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku chia sẻ:  “Mở câu lạc bộ dệt thổ cẩm để chị em học hỏi lẫn nhau, để giữ được cái nghề truyền thống, để mà giữ gìn lâu năm, để mình dạy cho chị em, để chị em học dệt, để không quên được cái nghề của mình. Thứ hai nữa để mình làm ra các sản phẩm như cái túi, cái ví, cái móc khóa, với lại quần áo để mình sẽ bán được cho khách hàng, khách du lịch…với lại địa phương khác sẽ biết đến các sản phẩm đó để chị em giữ được nghề”.

Không thể phủ nhận rằng dưới tác động của xã hội hiện đại, hệ thống làng truyền thống sẽ bị mai một phần nào đó, thậm chí đổi thay cả về cấu trúc, sinh hoạt, văn hóa truyền thống và khó giữ lại được nét xưa bản địa. Xác định được điều đó, ngay từ đầu bước vào công cuộc đô thị hóa, thành phố Pleiku đã hướng đến quy hoạch xây dựng các làng truyền thống và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Theo đó đã xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ việc bảo tồn, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng để người dân có thu nhập và gìn giữ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc mình. Đặc biệt, nhờ phát huy tốt vai trò của nghệ nhân, già làng, người uy tín tại địa phương nên nét đẹp về văn hóa truyền thống không những được giữ gìn mà còn được truyền dạy hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Hà – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Pleiku cho biết: “Việc xây dựng các hệ thống làng truyền thống không phải ngày một ngày hai mà là một quá trình lâu dài và liên tục. Thời gian qua chúng tôi đã có nhiều cố gắng nhất định tuy nhiên cần nỗ lực hơn nữa để quy hoạch các làng truyền thống một cách bài bản, đúng với định hướng của địa phương”.

Tiến trình xây dựng đô thị văn minh và phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Pleiku đang ngày càng khởi sắc. Mỗi năm Phố núi đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch. Bên cạnh những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, hoang sơ, thì văn hóa truyền thống trong các buôn làng giữa Phố núi luôn đem lại những giá trị tinh thần cũng như vật chất lớn lao. Đây chính là điều kiện, là cơ sở quan trọng để định vị hình ảnh và quảng bá sâu rộng thương hiệu du lịch Pleiku chưa xa đã nhớ./ .

 Thanh Vui – Minh Trung – Bá Bính


Lượt xem: 12

Trả lời