Nâng cao năng lực làm đồ chơi cho giáo viên mầm non

Cập nhật 29/6/2018, 08:06:48

Đồ chơi là vật dụng hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học ở bậc mầm non – bậc học đề cao phương pháp “học mà chơi – chơi mà học”. Thế nhưng, với điều kiện khó khăn như địa phương Gia Lai, việc trang bị đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn.

Chính vì thế, huy động giáo viên mầm non phát huy tinh thần sáng tạo trong việc làm đồ chơi cho trẻ là giải pháp được Ngành GD – ĐT tỉnh Gia Lai chú trọng. Ghi nhận của nhóm PV:

Đến từ Trường Mẫu giáo Lơ Ku, xã Lơ Ku, huyện Kbang – nơi có trên 90% trẻ là người dân tộc thiểu số, điều kiện dạy học còn hạn chế, cô Phạm Thị Lụa không giấu được niềm phấn khởi khi được tham gia lớp tập huấn “Nâng cao năng lực về kỹ năng làm đồ dùng học tập và đồ chơi cho trẻ mầm non” do Sở GD- ĐT Gia Lai tổ chức. Bởi hơn ai hết, cô Lụa biết rằng, chất lượng dạy và học sẽ được cải thiện rất nhiều khi có thêm đồ dùng học tập và đồ chơi. Và tham gia những lớp tập huấn như thế này sẽ giúp cho những giáo viên như cô Lụa rèn luyện kỹ năng cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm trong việc làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ.

Cô  Lụa cho biết: “Đối với trẻ mầm non trẻ thường hoạt động dựa trên những đồ dùng dụng cụ trực quan để trẻ nắm bắt nội dung của chương trình, hôm nay đến với dự án hướng dẫn làm đồ dùng đồ chơi thì trường rất vinh dự nằm trong dự án. Mặc dù hàng ngày các cô cũng có làm đồ chơi cho trẻ nhưng hôm nay đến đây được hướng dẫn các thao tác kỹ thuật làm đồ dùng đồ chơi phong phú hơn từ vật dụng thiên nhiên, chai lọ, các vật liệu phế thải tưởng như đã vứt đi nhưng ta tận dụng để làm, từ đó thu hút trẻ đến trường, phục vụ công tác giảng dạy”.

Lớp tập huấn này là một trong 2 hoạt động thuộc chương trình “Phát triển trẻ thơ toàn diện” của Unicef Việt Nam trong năm 2018. Đây là cơ hội rất thuận lợi cho giáo viên mầm non ở các trường vùng khó trên địa bàn tỉnh Gia Lai được tiếp cận với chương trình tập huấn bài bản. Bởi không chỉ truyền tải lý thuyết mà lớp tập huấn còn đi sâu vào rèn luyện kỹ năng. Trở về từ lớp tập huấn, chắc chắn những giáo viên này ngoài việc nâng cao kỹ năng cho bản thân còn có thể chia sẻ cho các giáo viên khác trong phong trào làm đồ dùng dạy học và đồ chơi tự tạo cho trẻ.

Cô Nguyễn Thị Phương Huệ, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non- Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết: “Điểm mới là tập trung các cô giáo vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số về đây để được hướng dẫn về kỹ thuật, lý thuyết. Chúng tôi đề nghị các đại biểu đến dự tập huấn mang tính đặc trưng của địa bàn mình, như rơm rạ, chai, quả  thông. Tôi nghĩ tính tích cực ở đây tạo cho đứa trẻ ham thích những bối cảnh địa phương, khi đứa trẻ  được sờ được cảm nhận”.

Đồ dùng và đồ chơi tự tạo ngoài lợi ích tận dụng phế liệu và nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương còn là những thiết bị dạy học sáng tạo, an toàn và đặc biệt gần gũi, phù hợp cho trẻ từng vùng miền. Hơn hết, gửi gắm trong từng sản phẩm mà các cô giáo tự làm là niềm say mê với nghề và tình yêu thương đối với trẻ. Theo đó, năm học mới 2018 – 2019 sẽ hứa hẹn nhiều kết quả khả quan hơn đối với giáo dục mầm non vùng khó./.

 Hòa Giang, Thanh Vui, Viễn Khánh


Lượt xem: 225

Trả lời