Một thuở bình minh

Cập nhật 02/1/2020, 08:01:53

Những phát hiện phức hợp công cụ ghè hai mặt và rìu tay ở thị xã An Khê đã bác bỏ quan điểm sai trái của H. Movius về việc phân chia lịch sử nhân loại thành 2 vùng Đông – Tây đối lập nhau, từ đó đánh giá thấp những đóng góp của cư dân châu Á cho lịch sử nhân loại. Và với niên đại được xác định 8 triệu năm cách ngày nay, chúng ta đã bổ sung thung lũng An Khê, Gia Lai, Việt Nam vào bản đồ xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới…

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam, vào năm 2014, khi thực hiện đề tài “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến nay”, ông cùng với chuyên gia khảo cổ học Phan Thanh Toàn đã tiến hành điều tra khảo cổ học ở khu vực thượng lưu sông Ba, tại khu vực Gò Đá, thị xã An Khê. Dựa vào hố đào rộng hàng nghìn m2, sâu trung bình 3m đã phát hiện được một số hiện vật đá có vết ghè đẽo của con người. Những công cụ đá quartz và quartzite rất cứng, có kích thước lớn, kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp, có thể ghè trên tay hoặc trên đe, đặc biệt là công cụ ghè 2 mặt còn nằm trong địa tầng nguyên vẹn, là cơ sở chính để các nhà khảo cổ học nhận định: Ở đây có vết tích cư trú của con người thời đại đá cũ. Tại những địa điểm khai quật được tiến hành sau đó, với sự tham gia của các chuyên gia khảo cổ học trong nước và Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga đã phát hiện tổ hợp công cụ tiêu biểu gồm những mũi nhọn hình khối tam diện, công cụ ghè một mặt (uniface), ghè hai mặt (biface), công cụ chặt thô dạng chopper, chopping, những công cụ nạo, cắt làm từ mảnh tước, cuội bổ và công cụ dạng hạch cuội bất định hình…

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Trước đây, chúng ta chỉ biết được lịch sử Việt Nam với phát hiện ở Núi Đọ khoảng nửa triệu năm, thì nay chúng ta đã đẩy được tuổi của con người xuất hiện ở Việt Nam sớm hơn nữa. Đây chưa phải sớm nhất của nhân loại nhưng chúng ta phải công nhận ở Việt Nam con người xuất hiện ở đây, ở An Khê này”.

Viện sỹ, GS.TS Anatoly Panteleevich Derevianko, Viện trưởng Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk nêu: “Việt Nam là một trong những vùng tìm thấy những người Homo erectus, tức là Người vượn đứng thẳng, như vậy chúng ta sẽ có cơ sở để xác định rằng họ di cư từ Châu Phi sang đây. Những phát hiện khảo cổ ở An Khê, Việt Nam là rất quan trọng trong vấn đề nghiên cứu loài người”.

Cùng với quá trình khai quật, nghiên cứu, trong 2 năm 2016, 2019, tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về sơ kỳ đá cũ An Khê, với sự tham gia của nhiều học giả trong và ngoài nước. Tại các kỳ hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều luận cứ xác minh về niên đại, giá trị, vai trò, cũng như những đóng góp của sơ kỳ Đá cũ An Khê trong sự tiến hóa của loài người và đã đi đến thống nhất: Tổ hợp di vật đá cũ được khai phá An Khê mang đặc trưng của một kỹ nghệ sơ kỳ thời đại Đá cũ, tương đương với giai đoạn tồn tại của Người đứng thẳng (Homo erectus) trên thế giới, có niên đại địa chất trung kỳ Cánh tân (Pleistocene) và niên đại đồng vị phóng xạ bằng phương pháp Kalium Argon là 806.000±22.000 năm và 782.000±20.000 năm cách ngày nay. Trong số các hiện vật đá và mảnh tectit trong địa tầng được tìm thấy ở An Khê, tiêu biểu là công cụ ghè 2 mặt, rìu tay, công cụ ghè một mặt, mũi nhọn, mũi nhọn tam diện… Với những chứng cứ khoa học rất đáng tin cậy thì có thể nhận định: An Khê là quê hương xuất hiện người nguyên thủy sớm nhất tại Việt Nam, đánh dấu sự có mặt trong thuở bình minh của nhân loại trên trái đất…

Tiến sỹ Masojé Miroslaw, Viện Khảo cổ học, Đại học Wrocclaw, Ba Lan  cũng cho biết: “Những gò đá cũ ở An Khê rất là quan trọng và nó là điểm mới và có thể đại diện cho 1 vùng đất rất lớn và có thể so sánh với các nơi và đây là điểm, vị trí quan trọng hàng đầu ở Châu Á trong quá trình phát triển và tiến hóa của loài người. Về kỹ nghệ làm đá thì Đá cũ ở An Khê cũng không khác gì so với ở khu vực Châu Phi”.

Con người xuất hiện ở đâu, khi nào thì lịch sử vùng đất đó được bắt đầu từ thời điểm ấy – Đó là câu nhận định vừa mang tính chất lịch sử, đồng thời dựa trên những cứ liệu khoa học. Và với những phát hiện phức hợp di tích đá cũ An Khê cũng mở ra những nhận thức mới về lịch sử, cội nguồn, văn hoá con người Việt Nam cũng như khu vực, mang lại cho Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung một dáng dấp, vị thế mới về lịch sử, văn hóa. Những giá trị này sẽ là cơ sở vững chắc cho việc hướng tới xây dựng vùng An Khê thành trung tâm nghiên cứu lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế, mang lại nhiều tiềm năng về phát triển du lịch văn hóa và nghiên cứu lịch sử./.

Song Nguyễn – Phan Nguyên – Thanh Sáng – Minh Trí


Lượt xem: 83

Trả lời