Kinh tế Gia Lai những điểm nhấn thời đổi mới.

Cập nhật 28/4/2017, 14:04:30

Với biết bao vết tích chiến tranh để lại, Gia Lai vốn là một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu, song nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc đã thúc đẩy kinh tế – xã hội tỉnh Gia Lai không ngừng phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. 42 năm sau giải phóng, đến nay Gia Lai đã có sự chuyển mình đi lên rõ rệt. Kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quy mô nền kinh tế được mở rộng, kết cấu hạ tầng đầu tư ngày càng đồng bộ.

Sự phát triển của Gia Lai sau 42 năm được thể hiện rõ nét nhất là sự tăng trưởng của nền kinh tế hàng năm duy trì ở mức tăng khá. Giai đoạn 1976-1990, bình quân hàng năm tăng 3,5%; giai đoạn 1991 – 2010 tăng trên 11%/năm;  giai đoạn 2011 – 2015 tăng 12,81%/năm. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,48%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; GRDP bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng/năm, gấp gần 40 lần so với năm 1991, bằng 78,6% so với bình quân chung của cả nước. Tổng thu ngân sách đạt 3.722 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2015.

Để đạt được những kết quả tự hào trên chính là nhờ Gia Lai thực hiện tốt chính sách phát triển các thành phần kinh tế, nguồn lực xã hội được chú trọng phát huy. Vai trò, vị trí các thành phần kinh tế luôn được coi trọng. Trong đó, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ….là những lĩnh vực then chốt để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Gia Lai vốn là địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp rất lớn. Những tiềm năng này đã và đang ngày càng được phát huy, khai thác mang lại hiệu quả cao. Từ vùng đất hoang sơ, sản xuất nông nghiệp phát triển manh mún, nhỏ lẻ, đến nay Gia Lai đã hình thành nên những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Trong đó cao su 120.000 ha, hồ tiêu 15.000 ha, quy mô lớn nhất cả nước, cà phê gần 79.000 ha, đứng thứ hai của cả nước, sau Đăk Lak. Đặc biệt Gia Lai đã và đang thực hiện rất thành công mô hình cánh đồng mía mẫu lớn, đưa cây mía phát triển trở thành cây hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Đến nay Gia Lai đã phát triển được vùng nguyên liệu mía với hơn 38.000 ha, trong đó diện tích cánh đồng mẫu lớn chiếm khoảng 10%. Không chỉ tập trung ở những địa bàn thuận lợi, cánh đồng mẫu lớn còn được ưu tiên phát triển ở  vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó đã từng bước góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân.

 Anh Đinh Chôi, Làng Lợt, xã KonBla, huyện Kbang cho biết: “Nhà máy có chủ trương làm cánh đồng mẫu lớn từ đó bà con làm theo, năng suất rất đạt. Làm đại trà thì năng suất đạt 55 – 60 tấn/ha, còn làm cánh đồng mẫu lớn 1 ha được hơn 100 tấn. Năm vừa rồi đích thân tôi đã đi vận động bà con, đầu tiên bà con tham gia chỉ hơn 10hộ với 20 ha, bình quân ra 1 ha đạt 100-120 tấn/ha, qua đó bà con rất tin tương và đồng tình tham gia. Vụ tới làm theo chủ trương của nhà máy, tiếp tục vận động, mờ rộng thêm 25-30 ha”.

Mặc dù sản xuất nông nghiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Vì vậy Gia lai đã và đang tích cực đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng. Để đạt được mục tiêu này, Gia Lai cần có những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ông Lê Văn Lịnh, PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT  cho biết: “Trong chương trình nông nghiệp công nghệ cao, trước nay nông nghiệp của Gia Lai cũng rất phát triển trên một diện tích lớn như vậy, toàn bộ trên 500 ngàn ha để phát triển nông nghiệp, có các cây công nghiệp, cây nông nghiệp, cây lương thực. Lâu nay cũng đã đầu tư nhưng để đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng về ngành nông nghiệp cũng đề nghị chế biến sâu các loại cây công nghiệp”.

Từ một địa phương có hạ tầng yếu kém, đến nay cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội được tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn vốn. Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm như: Cảng Hàng không Pleiku, quốc lộ 14, 14C, quốc lộ 19, đường Đông Trường Sơn, các tuyến giao thông tỉnh lộ, liên huyện, liên xã, giao thông nông thôn…được quan tâm đầu tư, giao thông đi lại thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động giao thương phát triển.

Xác định Gia Lai là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh của cả nước và nằm ở vị trí trung tâm của khu vực tam giác phát triển 3 nước Việt Nam – Lào – CamPuChia, rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa đến cảng biển và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Vì vậy để thúc đẩy kinh tế khu vực Tây Nguyên cũng như Gia Lai ngày càng phát triển mạnh mẽ, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong thời gian tới Chính Phủ sẽ thực hiện một số kế hoạch để hỗ trợ Tây Nguyên cũng như Gia Lai phát triển: “Chính phủ phát triển tốt hơn hệ thống hạ tầng ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ, mở rộng sân bay Pleiku để giao thương thuận lợi ở khu vực này. Xây dựng một cơ chế chính sách ưu đãi hơn, giao cho Bộ KHĐT thực hiện để làm sao chi phí đầu tư ở đây thấp để đảm bảo chi phí cho nhà đầu tư”.

Với quyết tâm đưa Gia Lai ngày càng phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, Gia Lai còn đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài thông qua các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư là mục tiêu quan trọng đã và đang được Gia Lai thực hiện một cách quyết liệt. Theo đó, hàng loạt các giải pháp đã được Gia Lai tích cực thực hiện như: Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh….với những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo địa phương.

Ông Võ Ngọc Thành Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nói: “Gia Lai cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi đầu tư các dự án vào địa bàn. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án”.

Tin rằng với những thành tựu quan trọng đạt được sau 42 năm giải phóng cùng những định hướng chiến lược quan trọng Gia Lai đã và đang nỗ lực thực hiện sẽ tạo đà để Gia Lai ngày một phát triển mạnh mẽ, tạo vị thế vững chắc trong khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Hồng Uyên, Thanh Sáng

 


Lượt xem: 1699

Trả lời