Khó khăn trong công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để triển khai trồng rừng

Cập nhật 23/7/2018, 08:07:21

Cùng nguồn kinh phí hạn hẹp thì một thực trạng hiện nay là người dân vẫn chưa thật sự mặn mà đối với công tác trồng rừng nên việc vận động thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để phục vụ cho công tác trồng rừng ở một số địa phương rất khó khăn.

Theo kết quả rà soát phân loại 3 loại rừng, huyện Krông Pa có 4.600 ha đất rừng bị lấn chiếm thuộc diện phải thu hồi để triển khai công tác trồng rừng. Qua quá trình tuyên truyền, vận động đã có trên 1.400 hộ dân đăng ký trồng với diện tích 2.100 ha. Dù trong năm 2017 địa phương không có kế hoạch trồng rừng song đến nay, huyện Krông Pa vẫn chưa triển khai trồng rừng theo chỉ tiêu năm 2018. Nguyên nhân là do người dân chưa hiểu rõ nên không thật sự mặn mà với công tác trồng rừng.

Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cho biết: “Thứ nhất là phong trào trồng rừng của người dân ở huyện Krông Pa là chưa có; thứ 2 nữa là người dân ở đây chưa thấy được lợi ích, hiệu quả của việc trồng rừng đem lại; thứ 3 nữa là đa phần diện tích bị lấn chiếm ở đây là của người đồng bào dân tộc thiểu số và là kế sinh nhai, nguồn thu để người dân sinh sống trong khi chu kỳ của trồng rừng là từ 5 đến 7 năm mới cho khai thác nên người dân cũng đang băn khoăn để kiếm nguồn sống”.

Cũng tương tự, trong hơn 1.000 ha đất rừng bị lấn chiếm thuộc diện phải thu hồi nhưng trong năm 2017 huyện Kbang cũng mới chỉ triển khai thu hồi trồng được 90 ha. Nguyên nhân là do công tác quản lý và bố trí quỹ đất để triển khai trồng rừng gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho biết: “Đối với diện tích bị lấn chiếm do ngăn chặn không kịp thời thì người dân đã trồng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả đang trong thời kỳ kinh doanh nên rất khó để thu hồi diện tích này. Vấn đề thứ 2 là với những diện tích đã thu hồi và được các Công ty trồng lại rừng nhưng người dân lại lén lút nhổ bỏ cũng gây khó khăn; thứ 3 là sự phối hợp giữa các đơn vị chủ rừng với chính quyền địa phương chưa được nhịp nhàng”.

Đây cũng đang là khó khăn chung của nhiều địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh trong việc vận động, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để triển khai công tác trồng rừng./.

 Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 127

Trả lời