Khi người trẻ trở về khởi nghiệp trên phố Núi

Cập nhật 16/3/2024, 15:03:58

Được nuôi dưỡng và lớn lên tại tỉnh Gia Lai, tình yêu đối với vùng đất đỏ Tây Nguyên đầy nắng và gió nhưng rất đỗi anh hùng, giàu truyền thống cách mạng đã đi sâu vào tiềm thức của những người trẻ hôm nay. Và đây cũng chính là sợi dây kết nối vô hình thôi thúc nhiều bạn trẻ lựa chọn quay trở về Gia Lai sau một quá trình học tập, làm việc ở nhiều nơi. Với nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có, tỉnh Gia Lai nói chung, thành phố Pleiku nói riêng hôm nay đang trở thành vùng đất để các bạn trẻ đã được trang bị kỹ càng về kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm có thể khởi nghiệp để thực hiện hoài bão, khẳng định bản thân, cống hiến và chung sức xây dựng quê hương phát triển, khởi sắc.

Tổ chức thành công sự kiện “Gia Lai coffee festival 2023” với chủ đề “Gia Lai-Vùng nguyên liệu chất lượng cao” vào 9.2023 và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của chính quyền địa phương, thu hút hơn 1.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm, sự tham gia của khoảng 30 đơn vị kinh doanh cà phê trong và ngoài tỉnh… Đó là một trong những thành công mà Nguyễn Thị Thanh Tâm – Chủ Trung tâm dạy nghề Gia Lai-TRS1 Training Center đồng thời là Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku tự hào trong quá trình khởi nghiệp của mình tại nơi được sinh ra và lớn lên. Sự kiện trải nghiệm cà phê địa phương lần đầu tại Gia Lai không chỉ góp phần lan toả giá trị, danh tiếng của cà phê địa phương đến những thị trường lớn hơn như Tâm mong muốn mà còn là minh chứng thể hiện sự nhạy bén, đổi mới trong tư duy và hành động của cô gái trẻ sinh năm 2002 này. Đam mê pha chế, quyết tâm theo học nghề này một cách bài bản và dành thời gian để trải nghiệm, làm việc ở nhiều nơi đã trang bị hành trang khá vững chắc để Nguyễn Thị Thanh Tâm tự tin quay trở về khởi nghiệp tại thành phố Pleiku– nơi luôn chiếm một vị trí đặt biệt và thúc đẩy phải hành động để cống hiến cho sự phát triển chung của quê nhà.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm – Trung tâm Dạy nghề pha chế Gia Lai – TRS1 Training Center nói: “Mình cảm thấy Gia Lai là 1 vùng đất rất là chữa lành, kiểu như ôm trọn mình vào lòng. Khi mà đi từ thành phố khác trở về mọi người cũng mang theo nhiều tư tưởng tiến bộ hơn, cũng như có những kỷ năng, kiến thức tốt hơn, đồng thời mình có những cái nhìn đa chiều về địa phương cũng như có thể giúp địa phương phát triển hơn thông qua sử dụng những cái mà mình đã học tập từ những thành phố khác.”

Cũng dành tình yêu đặc biệt với cà phê của Gia Lai, sau nhiều năm học tập và làm việc ở nơi khác, chị Trần Thị Kim Phùng Thủy đã quyết định trở về nhà và thực hiện giấc mơ nâng tầm giá trị hạt cà phê theo mô hình nông nghiệp bền vững kết hợp với du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ được sau nhiều năm làm việc trong ngành cà phê ở tỉnh Lâm Đồng đã giúp chị Thuỷ xác định rõ hướng phát triển của bản thân, đó chính là kiên trì sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, chỉ hái quả chín và chế biến sâu. Cùng với xây dựng mô hình Nông trại bền vững với 1 hecta cà phê của gia đình, chị Thuỷ cũng là người đầu tiên trên địa bàn tỉnh mở chương trình tình nguyện viên trải nghiệm nông nghiệp hiện đại, từ đó đã góp phần quảng bá, giới thiệu quy trình sản xuất, chế biến hạt cà phê cũng như hình ảnh vùng đất, con người Gia Lai đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Với hiệu quả kinh tế và sức lan toả mang lại, mô hình Nông trại bền vững của chị Thuỷ được Tỉnh đoàn Gia Lai đánh giá là một trong những mô hình điểm về nông nghiệp theo hướng hiện đại. Mong muốn góp phần tạo và lan truyền cảm hứng về xây dựng hình ảnh mới về một thế hệ nông dân trẻ ngày nay trên quê hương Gia Lai là điều mà nữ nông dân 9X Trần Thị Kim Phùng Thủy đang nỗ lực thực hiện.

Chị Trần Thị Kim Phùng Thủy – Phường Chi Lăng, TP. Pleiku chia sẻ: “Với mô hình này rất hi vọng có thể tạo ra được cách thức làm việc mới, một cái nhận định mới về chất lượng cà phê, về một hình thái nông nghiệp mang tính bền vững, linh hoạt và tôi muốn xây dựng một lối sống dành cho những người nông dân ở thế hệ mới, những người nông dân trẻ tuổi, nhiệt huyết, giàu khát vọng, có thể kiên trì, vững chí với con đường mình đã lựa chọn đối với nông nghiệp.”

Ngày càng nhiều những người trẻ ở Gia Lai sau một thời gian thoả sức học tập, lao động, thử sức mình ở nhiều lĩnh vực tại nhiều nơi cả trong và ngoài nước đã lựa chọn quay trở về để phát triển, khẳng định tài năng, hoài bão cũng như cống hiến để góp phần dựng xây quê hương. Và hành trình quay trở về này đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và đặc biệt là sự đồng hành của tổ chức Đoàn Thanh niên với nhiều hoạt động thiết thực.

Anh Đỗ Đức Thanh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: “Đối với góc độ Đoàn, Hội của tỉnh và Đoàn hội ở các cấp cơ sở, chúng tôi đều dang rộng vòng tay để chào đón các bạn ĐVTN trên khắp mọi miền, không riêng gì người Gia Lai đang ở các tỉnh khác về mà các bạn ở các tỉnh khác đến Gia Lai để lập nghiệp./Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm và định hướng, cũng hi vọng các bạn trẻ sẽ đem những kinh nghiệm, những cái mà các bạn đã tích luỹ được khi đi các tỉnh khác trong quá trình học tập cũng như kinh nghiệm trong phát triển kinh tế của mình để đem lại cho tỉnh Gia Lai, cho địa phương những luồng gió mới, giúp địa phương ngày một phát triển.”

Bằng năng lượng đẹp nhất của thanh xuân và với kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm tích luỹ được sau thời gian học tập, làm việc ở những thành phố lớn, những địa phương khác nhau, các bạn trẻ quay trở về đang dần hiện thực hoá ý tưởng, khát khao được là chính mình; được thể hiện tài năng, bản lĩnh, sức sáng tạo của mình và được làm gì đó góp sức cho quê hương.

Ngô Thanh – Huy Toàn


Lượt xem: 2

Trả lời