Khi nghệ nhân từ làng ra phố thị

Cập nhật 20/12/2023, 06:12:50

Với 44 dân tộc cùng sinh sống và có hơn 46% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Jrai và Bahnar, đồng bào DTTS trên mảnh đất Gia Lai đã và đang lưu giữ những truyền thống văn hóa hết sức đặc sắc. Nếu như trước đây, những nghề truyền thống chủ yếu được bà con thực hành trong buôn, làng; hay làm ra những sản phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong gia đình thì trong nhịp sống hiện đại ngày nay, những sản phẩm truyền thống của bà con ngày càng được nhiều người biết đến qua những phiên chợ, hội chợ, ngày hội văn hóa-du lịch. Có thể nói, việc từ làng ra phố thị đã đem đến cho các nghệ nhân nhiều cảm xúc và mở ra cơ hội giao thương sản phẩm.

Sinh ra và lớn lên ở xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, anh Rinh – 1 nghệ nhân trẻ tuổi ở làng Nglâm Thung đã gắn bó với nghề đan lát nhiều năm nay. Không chỉ tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm nhiều sản phẩm, nhất là những chiếc gùi, chiếc giỏ đủ kích thước, hoa văn bắt mắt, anh Rinh còn thường xuyên tham gia các phiên chợ, hội chợ và ngày hội văn hóa – du lịch do huyện Đak Đoa và tỉnh Gia Lai tổ chức. Được ra phố thị đông vui và được trình diễn nghề đan lát cho nhiều du khách chiêm ngưỡng đã đem lại cho anh Rinh nhiều cảm xúc và bao niềm vui vì những sản phẩm do anh tự tay đan ngày càng được nhiều người yêu thích.

Anh Rinh – Xã Ia Pết, huyện Đak Đoa phán khởi nói: “Tỉnh tổ chức thì mình thấy vui, sướng khi mọi người nhìn thấy mình tự làm sản phẩm này. Ở nhà bữa ít người mưa, nay người ta thích mua đông đông, đặt cũng thích lắm. Ở đây đông người người ta thấy mình làm, mua và mai mốt đặt thêm nữa, mình cảm thấy rất vui.”

Niềm vui và niềm tự hào của anh Rinh ở huyện Đak Đoa cũng chính là niềm hãnh diện của nhiều nghệ nhân đã và đang gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, tạc tượng, trình diễn cồng chiêng ở nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai. Nếu như trước đây các nghệ nhân chỉ thực hành các nghề truyền thống trong buôn, làng thì thời gian gần đây, các nghệ nhân còn tham gia góp mặt, khoe tài, khoe sắc ở nhiều sự kiện văn hóa-du lịch cấp huyện, cấp tỉnh. Từ chỗ còn rụt rè, qua thời gian, các nghệ nhân đã tự tin giới thiệu bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến với du khách muôn phương.

Chị Đinh Thị Điêm – Xã Ya Hội, huyện Đak Pơ vui vẻ nói: “Hồi giờ sinh hoạt làm trong làng thôi, ra đây cảm thấy rất hào hứng, rất vui, nhân dịp này giới thiệu đến thế giới, cả nước biết về truyền thống của dân tộc mình.”

Chị Đinh Thị Tiêu – Xã Tú An, thị xã An Khê chia sẻ: “Mình múa xoan khách du lịch tham gia cùng mình, nghệ nhân rất vinh dự khi khách du lịch tham gia cùng với mình.”

Có thể nói, khi từ làng ra phố thị đã giúp các nghệ nhân có nhiều cơ hội giao lưu, giao thương và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm truyền thống đặc sắc do bản thân tự tay làm ra. Đây cũng là 1 trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giữ gìn, quảng bá và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS trong nhịp sống hiện đại, tạo nên những ấn tượng khó quên đối với du khách muôn phương khi đến với Gia Lai.

Thiên Thanh – Viễn Khánh


Lượt xem: 5

Trả lời