Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Cập nhật 23/3/2024, 06:03:37

Thời gian gần đây, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các phiên chợ, hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm được tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm. Với 70% dân số tại địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số, Hội chợ Thương mại, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Krông Pa năm 2024 đã góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nông sản, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương.

Đây là gian hàng trưng bày hàng thổ cẩm và một số sản phẩm nông sản địa phương của chị em phụ nữ xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa tại Hội chợ Thương mại, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa được tổ chức tại huyện Krông Pa. Thông qua hội chợ, mọi người mong muốn giới thiệu về nghề dệt truyền thống, quảng bá rộng rãi các nông sản sạch của địa phương, từ đó tìm sự kết nối tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Chị Ksor H’Nhai – Buôn Sai, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa cho biết: “Hôm nay tôi trưng bày sản phẩm của tôi để bàn giới thiệu để mọi người biết đến sản phẩm dệt thổ cẩm của mình. Rất vinh dự cho hội viên ở thôn buôn khi tham gia Hội chợ để quảng cáo sản phẩm giống như tôi đang làm để cho mọi người biết đến sản phẩm của mình.” .

Tại Hội chợ, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của huyện như bò một nắng, bò khô, heo một nắng, muối kiến vàng, rau, quả, gạo rẫy và các sản phẩm đan lát, gùi, thổ cẩm… được bày bán, tạo điều kiện cho người dân được mua sắm các sản phẩm sạch, chất lượng.

Anh Nay Duy – Buôn Kơ Jing, xã Ia Dreh, huyện Krông Pa chia sẻ: “Đến với Hội chợ ngày hôm nay thì chúng tôi có muối kiến vàng, lá teng leng, cà, chuối, gùi những sản phẩm đặc trưng của người Jrai để quảng bá cho mọi người biết đến sản phẩm của người Jrai làm ra.”

Chị Nguyễn Thị Hoa – Tổ dân phố 5, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa nói: “Đến Hội chợ này thì mình thấy người địa phương ở đây có rất nhiều món hàng bày bán như một số sản phẩm đặc trưng của người Jrai mà không phải lúc nào cũng mua được. Các mặt hàng rất phong phú, đem bản sắc của người địa phương đến với mọi người.”

Ông Nguyễn Tiến Đãng – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa trao đổi: “Việc tổ chức Hội chợ tại Krông Pa mang nhiều ý nghĩa, đây là cơ hội để các sản phẩm được sản xuất trong vùng đồng bào DTTS của huyện có dịp giao thương, quảng bá đến nhân dân trong, và ngoài huyện. Trên cơ sở đó sẽ thúc đẩy được sản xuấất, tặng thu nhập cho người dân để người dân có cơ hội xóa đối giảm nghèo. Bên cạnh đó thông qua Hội chợ nhiều sản phẩm ở  các địa phương khác được đem đến hội chợ giúp người dân ở đây tiếp thu ưược những kỹ thuật và công nghệ chế biến của các vùng miền khác để làm phong phú cho sản phẩm của địa phương.”

Hội chợ Thương mại, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Krông Pa năm 2024 là hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Việc tổ chức hoạt động nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương, hàng hóa kinh doanh, kích cầu tiêu dùng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt – Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai  cho biết: “Đây là khởi động Hội chợ đầu năm để làm bước đẩy tiếp tục làm thêm một số chương trình khác và một số huyện tiếp theo. Với Hội chợ này thì giới thiệu một số sản phẩm của người địa phương do họ tự sản xuất ra và mang đến để giới thiệu tại đây. Bên cạnh đó, Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại Sở Công thương cũng mời gọi một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX mang đến Hội chợ để quảng bá cho mọi người cùng biết đến. Thông qua Hội chợ này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.”

Thời gian tới, Sở Công Thương Gia Lai sẽ tiếp tục tổ chức các phiên chợ, hội chợ thương mại để giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại các địa phương; đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp giải trí, văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Lê Thư – Huy Toàn


Lượt xem: 10

Trả lời