Giá cả hàng hóa trước áp lực giá xăng dầu tăng

Cập nhật 28/6/2022, 07:06:42

Liên tục từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có đến 13 kỳ điều chỉnh tăng. Hiện giá xăng lập đỉnh mới, lên mức khoảng 33.000 đồng/lít đã gây áp lực lên giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất có nguy cơ tăng cao.

      

Theo tìm hiểu, hiện xu hướng tăng giá hàng hoá do bị tác động bởi yếu tố đầu vào của nguyên liệu sản xuất và tác động bởi giá xăng dầu làm chi phí vận chuyển tăng nên giá bán nhiều loại hàng hóa trên thị trường từ thực phẩm đóng gói đến hàng tiêu dùng tăng bình quân ở mức từ 8-10%, tập trung vào nhóm hàng gia vị, thực phẩm đóng gói. Đà tăng giá diễn ra ở nhiều mặt hàng, trong đó có nhóm hàng nhập khẩu. Hiện nay, các nhà cung cấp chốt mức giá theo thời điểm nên giá nhiều mặt hàng cũng đang rục rịch tăng trong thời gian tới.

Ông Trần Đình Lê – Giám đốc Siêu thị Vinmart Pleiku cho biết: “Trong vòng 2 tháng trở lại đây mức giá trung bình tăng cũng đang nằm ở mức 8-10% so với mức bình quân của các mặt hàng. Đối với các mặt hàng nhập khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp như bia, rượu hầu như tăng khoảng 20% thì đó là mức tăng trong thời gian này. Và chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, thị trường sẽ ổn định hơn về mặt giá cả, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu để giá cả nằm ở mức bình ổn để phục vụ cho khách hàng”.

Còn đối với Siêu thị Co.op Mart Pleiku, sau một thời gian dài kiềm giá, đến nay cũng phải điều chỉnh tăng giá nhiều mặt hàng, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng. Trong đó, giá tăng nhẹ 5-10% đối với một số mặt hàng thuộc nhóm đồ dùng gia đình; thực phẩm như mì tôm, hàng đóng gói và gia vị, có những mặt hàng cũng có mức tăng đến 20%. Để kích cầu tiêu dùng, đơn  vị cũng thường xuyên triển khai các chương trình ưu đãi giảm giá nhằm hỗ trợ khách hàng mua sắm.

Bà Châu Hoàng Thy – Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku cũng cho biết: “Trong thời kỳ bão giá về phía doanh nghiệp cũng như siêu thị chúng tôi cũng đã có những hoạt động để bình ổn giá cả so với thị trường bên ngoài.  Và trong thời gian tới tình hình dự báo sẽ tiếp tục tăng lên nữa thì chúng tôi cũng có kết hợp với nhà sản xuất cũng như phía bên nhà phân phối cắt lô mua những suất hàng lớn để có những chương trình hỗ trợ về giá đồng thời kết hợp để hỗ trợ cho người tiêu dùng có chi tiêu dễ dàng hơn.  Chúng tôi cố gắng làm sao để giá cả của siêu thị so với thị trường bên ngoài là không chênh lệch”.

Không riêng gì hệ thống siêu thị, mà việc giá các mặt hàng tăng mạnh đã gây nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh giá bán lẻ ở các cửa hàng tạp hóa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa – Tạp Hóa – 255 Trường Trinh, phường Trà Bá,  TP. Pleiku cũng nói: “Tất cả các mặt hàng đều lên giá toàn bộ, từ nguyên liệu dầu ăn, sữa, rồi những sản phẩm khác đề lên giá rất nhiều.  Bây giờ mặt hàng như bia đã lên mười mấy ngàn một thùng, sữa lên tầm 10 ngàn/thùng, dầu ăn lên khoảng 60 ngàn/thùng, bột ngọt, mì tôm cũng đua nhau lên, lên lần vài chục ngàn. Nói chung là bán ra cũng chậm hơn so với trước”.

Có thể thấy, trước áp lực của giá xăng dầu đã khiến nhiều mặt hàng buộc phải điều chỉnh tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu đã tác động lớn đến người tiêu dùng. Để hỗ trợ người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu mối đã tích cực triển khai nhiều giải pháp trong việc điều chỉnh giá nhằm giảm bớt áp lực chi tiêu đối với người tiêu dùng./.

Lê Thư – Minh Trung – Phi Long


Lượt xem: 10

Trả lời