Đổi thay ở vùng đồng bào DTTS huyện Đak Pơ

Cập nhật 28/4/2017, 14:04:23

Những năm qua, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Đăk Pơ đã có những đổi thay đáng kể. Đó là kết quả từ việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS, bên cạnh đó là sự phấn đấu vươn lên của người dân trong lao động sản xuất nên đến nay đời sống của đa số các hộ dân vùng đồng bào DTTS ở huyện Đăk Pơ đã có những đổi thay đáng kể.

Đến thăm gia đình ông Đinh HNôi ở làng Leng Tô, thị trấn Đăk Pơ, huyện Đăk Pơ, thật không ngờ cách đây 3 năm, gia đình ông còn là hộ nghèo của địa phương, từ cái ăn không đủ mà giờ đây kinh tế của gia đình ông HNôi đã  phát triển thuộc diện nhất, nhì của làng Leng Tô, thị trấn Đăk Pơ. Ông chia sẻ, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng nên gia đình ông không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Được biết những người làm kinh tế giỏi ở trong làng như ông HNôi không phải là ít.

Ông Đinh Hnôi cho biết: “Nói chung dân trong làng bây giờ không ai còn đói nữa rồi. Giờ chính quyền quan tâm chính sách của tỉnh, nhà nước để phát triển con bò, phát triển cây bắp nên người dân không còn cái nghèo, cái đói nữa rồi”.

Có thể nói một trong những giải pháp quan trọng giúp đổi thay diện mạo vùng đồng bào DTTS đó chính là sự hỗ trợ về vốn cùng với việc hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kĩ thuật trong chăn nuôi, sản xuất cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh việc giúp đồng vốn cho các hộ dân chăn nuôi bò lai mang lại hiệu quả kinh tế thì huyện Đăk Pơ còn xây xây dựng được cánh đồng mẫu lớn tại làng Bút, xã An Thành với tổng diện tích 31 ha của 27 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Việc phát triển cây mía trên diện tích cánh đồng lớn như hiện nay sẽ tăng năng suất cây mía từ 60 tấn lên 100 tấn/ha.

Ông Trần Minh Đức, Chủ tịch UBND xã An Thành, huyện Đăk Pơ cho biết: “những năm qua nhờ chủ trương mới thay đổi giống cây trồng vật nuôi trên địa bàn xã An Thành đã tập trung vào những cây chủ lực đó là cây mía, cây mì, nuôi con bò, con dê. Nhờ làm tốt công tác vận động cùng sự hỗ trợ quan tâm của các cấp đặc biệt là sự hỗ trợ của chính phủ của tỉnh đã hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là dân tộc Bana hỗ trợ về giống cây, giống con để bà con tập trung chăn nuôi, chăm sóc. Nhờ đó mà kinh tế của địa phương từng bước đi vào ổn định, bà con hăng say lao động”.

Theo đánh giá của Phòng Dân tộc huyện, đến nay, phần lớn những mô hình sản xuất của người dân đã phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập đáng kể cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Nhờ đó, hầu hết những hộ tham gia vay vốn để phát triển kinh tế đều vươn lên thoát nghèo bền vững, có điều kiện tái đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất. Nhưng để nhân rộng mô hình sản xuất kinh tế giỏi trong các hộ đồng bào DTTS, thời gian tới Phòng Dân tộc huyện Đăk Pơ cũng đã đề ra một số các giải pháp.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đăk Pơ nói: “Huyện Đak pơ đối với ĐBDTTS cũng có nhu cầu vay vốn rất là lớn, tuy nhiên bên cạnh một số hộ vay vốn rất có hiệu quả, tuy nhiên cũng còn một số hộ vay chưa biết cách làm ăn…

Do vậy định hướng trong thời gian tới phòng sẽ phối hợp với cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan để tuyên truyền, vận động người dân bằng cách là lấy một số gương điển hình đã vay vốn làm ăn có hiệu quả để cho một số hộ chưa biết cách làm ăn học tập, bắt trước cách làm ăn đó để sử dụng đồng vốn đó có hiệu quả hơn”.

 

Theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đăk Pơ còn 13,56%, huyện phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,85%. Với những chính sách và các giải pháp thiết thực mà chính quyền huyện Đăk Pơ đang thực hiện để giúp người dân trong phát triển kinh tế, tin rằng bộ mặt huyện Đăk Pơ sẽ ngày càng khởi sắc, trong đó có sự đổi thay đáng kể trong vùng đồng bào DTTS./.

Lệ Xuân, Minh Trung


Lượt xem: 190

Trả lời