Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện “Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Gia Lai”

Cập nhật 04/4/2024, 17:04:15

Sau khi làm việc trực tiếp với 9 huyện, thị xã, thành phố và 9 sở, ngành, chiều nay (4/4), Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện “Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Gia Lai”. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Ayun H’Bút – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh ủy viên, PCT UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan. Đồng chí Trương Văn Đạt – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành thẳng thắn đánh giá những kết quả đạt được; nêu rõ những hạn chế, vướng mắc, đồng thời nghiêm túc tiếp thu những ý kiến góp ý xác đáng của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh để làm sao khắc phục kịp thời những hạn chế còn tồn tại; xây dựng nền hành chính của tỉnh Gia Lai ngày càng tốt hơn. Theo đó, khó khăn, hạn chế trong thực hiện công tác CCHC của tỉnh hiện nay, đó là: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC, nhất là lĩnh vực đất đai; tại UBND cấp huyện, UBND cấp xã, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn thấp; trang thiết bị làm việc ở một số đơn vị đều đã hư hỏng, hết thời gian tính khấu hao, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của các đơn vị; việc xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, Gia Lai vẫn chưa xây dựng được Hệ thống số hóa kết quả giải quyết TTHC và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh…

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn Giám sát đã làm rõ ưu điểm, hạn chế, bất cập trong thực hiện công tác CCHC của tỉnh cũng như thực hiện thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh sang Bưu điện thực hiện; cải cách bộ máy hành chính và cơ chế tự chủ tài chính; việc các sở, ban, ngành, địa phương khắc phục các hạn chế mà Đoàn kiểm tra tỉnh đã chỉ ra sau các đợt kiểm tra hàng năm; quy trình giải quyết hồ sơ các dự án đầu tư; giải pháp để giảm thiểu hồ sơ trễ hạn trong lĩnh vực đất đai…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Văn Đạt – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát nhấn mạnh: Công tác CCHC là vấn đề được tỉnh hết sức coi trọng trong thời gian qua, bởi đây là chìa khóa tháo gỡ những điểm nghẽn trong sự phát triển KT-XH của tỉnh. So với giai đoạn trước, công tác lãnh chỉ đạo, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC được UBND tỉnh thực hiện khá tốt. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, trong 2 năm 2021 và 2022, Chỉ số CCHC của tỉnh đều ở vị trí thấp so với các tỉnh, thành trong cả nước; đáng quan tâm là hồ sơ trễ hạn và những sai phạm trong lĩnh vực đất đai phải xử lý về mặt hành chính và hình sự. Đây là vấn đề mà UBND tỉnh cần phải có giải pháp để sớm cải thiện xếp hạng về Chỉ số CCHC của tỉnh so với các tỉnh, thành. Đồng chí Trương Văn Đạt đề nghị: UBND tỉnh và các sở, ngành cần tiếp tục rà soát, kiến nghị đơn giản hóa các TTHC còn rườm rà, phức tạp; gây tốn kém thời gian và chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp; quan tâm dành nguồn ngân sách phù hợp cho công tác chuyển đổi số. Đặc biệt, UBND tỉnh cần có giải pháp căn cơ, hữu hiệu và tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đến năm 2025 hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC theo Nghị quyết 76 của Chính phủ và Quyết định 602 của UBND tỉnh. Đối với những kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh, Đoàn Giám sát sẽ nghiên cứu tổng hợp, đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ xem xét tháo gỡ, giải quyết./.

Thiên Thanh – Ksor Tuối


Lượt xem: 6

Trả lời