Điểm sáng của Ngành Y tế Gia Lai

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:37

Năm 2022, tiếp tục sau 01 năm trôi qua sau đại dịch Covid – 19, hầu hết các lĩnh vực đều có dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên đối với ngành Y tế Gia Lai thì chưa khi nào phải đối mặt với nhiều khó khăn như thế. Song điều đáng ghi nhận là trong bối cảnh đó, ngành Y tế Gia Lai vẫn tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ cao cả đó là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

KHÓ KHĂN BỦA VÂY

Dịch bệnh Covid – 19 kéo dài trong 2 năm và phải đến tháng 2/2022, các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai mới dần hồi sinh. Nhưng đối với ngành Y tế, những ngày tháng chống dịch vẫn chưa kết thúc. Bởi toàn bộ nhân lực, vật lực phải tiếp tục thực hiện nhằm không để dịch bùng phát trở lại. Đến tháng 4/2022, các bệnh viện điều trị Covid-19, Bệnh viện Dã chiến mới kết thúc nhiệm vụ lịch sử, giải thể chuyển trả cơ sở các đơn vị. Đến giữa năm 2022, những bộ đồ bảo hộ mới dần được cởi bỏ, các bệnh viện lần lượt đón người dân đến khám, chữa bệnh trong trạng thái bình thường mới. Lúc này, nhiều vấn đề “hậu Covid-19” nảy sinh khiến ngành Y tế Gia Lai tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, khách thức. Trong đó nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc ở cả bệnh viện lẫn các đơn vị y tế dự phòng. Từ năm 2021 đến giữa năm 2022, toàn tỉnh Gia Lai có đến 133 nhân viên y tế nghỉ việc, chủ yếu do thu nhập chưa tương xứng với công việc.

Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang, Trường khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Nhi Gia Lai bộc bạch: “Giữa nghề đào tạo ra và trả công cho nhân viên ngành y tế không công bằng giữa ngành y tế và các ngành khác từ đầu vào, học phí và đầu ra. Khi ra 1 bác sĩ 6 năm lại phải mất 18 tháng tập sự mới có chứng chỉ hành nghề mới thật sự là một bác sĩ cũng chỉ hưởng lương ngang bằng với ngành khác đại học ra trường 4 năm. Vấn đề nhân viên y tế bỏ công việc nhà nước để ra làm tư nói chung bệnh viện tư thu nhập khá hơn, người ta trả theo năng lực, theo công việc nên thu nhập nó khác so với nhà nước”.

Trong khi dịch Covid-19 chưa qua, nhiều nhân viên y tế nghỉ việc và tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chưa được giải quyết rốt ráo, tỉnh Gia Lai lại phải đối mặt với dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh trên địa bàn. Tính đến cuối tháng 12/2022, toàn tỉnh đã có hơn  11 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, tăng 9,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Y sĩ Rơ Mah Nung, Trạm Y tế phường Yên Thế, TP. Pleiku chia sẻ: “Bây giờ dịch sốt xuất huyết, dịch Covid – 19 bùng phát nhân viên y tế làm việc rất là cật lực, ngay cả đi tiêm phòng thứ 7, chủ nhật. Nói thật ra làm nghề này nói về thu nhập cá nhân của từng nhân viên y tế không đủ nhưng vì yêu mến nghề, bám vào nghề để hoàn thành nhiệm vụ phục vụ cho toàn dân”.

NHIỀU CHUYỂN BIẾN SAU ĐẠI DỊCH COVID 19

Sau đại dịch Covid – 19, không chỉ nhiều bệnh viện tuyến cuối có dấu hiệu quá tải sau khi trở lại hoạt động bình thường, thích ứng với tình hình mới mà ngay cả  các trạm y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng vậy. Nhưng các đơn vị đã làm tốt hơn công việc chuyên môn từ khám các bệnh thông thường đến khám sàng lọc về dịch Covid – 19, sốt xuất huyết, sốt rét nên người dân ngày càng tin tưởng đội ngũ y tế ở cơ sở.

 Bà Phạm Thị Lênh, Thôn Ninh Hòa, xã Ia Bòong, huyện Chư Prông nói: “Tôi cũng hay đau ốm lặt vặt thường xuyên đến Trạm Y tế khám, các cô chăm sóc rất tốt. Tôi cũng thấy rất thuận lợi cho bà con nhân dân và bản thân tôi cũng mong muốn các cấp quan tâm đến y tế địa phương cho chúng tôi để dân chúng tôi được điều trị bệnh tốt hơn nữa”.

Bà Trần Thị Bé, Xã Chư Răng, huyện Ia Pa cũng nói: “Mỗi một lần tôi đi viện bác sĩ ở đây rất quan tâm đến tôi. Tôi mà không có bác sĩ thì tôi chết lâu rồi. Gia đình nghèo, khó khăn lắm, cứ mỗi một lần ra đây bác sĩ truyền nước, truyền đạm tôi mới khoẻ được”.

Dù nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, nhưng với cách sắp xếp khoa học, kiện toàn, củng cố theo hướng tinh gọn, hiệu quả nên về cơ bản mạng lưới y tế của tỉnh đảm bảo năng lực triển khai nhiệm vụ với gần 5000 cán bộ, nhân viên đã và đang gắn bó với ngành.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai  cho biết: “Bản thân mình gắn bó thứ nhất là mình yêu nghề, thứ hai làm mình gắn bó lâu với bệnh viện mình cũng muốn cố gắng khắc phục trong hoàn cảnh khó khăn của bệnh viện phải chăm sóc phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân”.

Bác sĩ Siu Tlu, Trung tâm Y tế huyện Ia Pa cho biết: “TTYT huyện Ia Pa chuyển sang điều trị Covid – 19 từ ngày 15/8/2021 đến ngày 15/4/2022. Tức là nhiệm vụ của bệnh viện là làm nhiệm vụ tách đôi, một bên điều trị Covid – 19, một bên điều trị cho dân thường. Dưới sự chỉ đạo của cấp trên, Ban lãnh đạo các khoa phòng tiếp tục tiếp đón nhân dân và điều trị cho nhân dân. Tất cả bác sĩ và điều dưỡng phải cố gắng hết khả năng của mình phục vụ nhân dân được tốt”.

Gia Lai đầu tư phát triển chuyên ngành tim mạch

 Không chỉ sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả mà tỉnh Gia Lai còn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế theo nhu cầu vị trí việc làm, bồi dưỡng đạt chuẩn các tiêu chuẩn. Đến nay, toàn ngành đã có 24 tiến sĩ/bác sĩ chuyên khoa II, 262 bác sĩ chuyên khoa I, 641 bác sĩ đa khoa và 436 y sĩ, 85 dược sĩ đại học và sau đại học, 199 dược sĩ cao đẳng và trung cấp tham gia công tác điều trị.

BS CKII Trần Kế Toán, Trưởng Khoa Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong 5 năm qua chúng tôi đã rất nỗ lực từ việc thành lập Khoa tim mạch, đào tạo, bước đầu thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị tim mạch. Trong chương trình là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Gia Lai đã cử rất nhiều ekip đào tạo về tim mạch can thiệp, kỹ thuật siêu âm tim, kỹ thuật chẩn đoán, cấp cứu tim nhưng trong đó có một gói là chuyển giao kỹ thuật tim mạch, cái vướng nhất đó là phải có cái máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Máy này đã được UBND tỉnh trang bị và đang lắp đặt để đi vào hoạt động”.

Để đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân, theo lộ trình, tỉnh đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương thức ứng dụng công nghệ nhằm từng bước nâng cao chất lượng KCB tại địa phương.

LẤY CON NGƯỜI LÀM TRUNG TÂM

Ông Nông Văn Lộc, 82 tuổi ở thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông không còn phải vượt chặng đường hàng trăm cây số để đến TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh hở van tim 2 lá như trước đây nữa, mà nay đã có Khoa Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai điều trị. Rõ ràng khi đầu tư chuyên sâu cho lĩnh vực y tế, người dân sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại ngay tại địa phương.

Chị Nông Thị Viễn, Người nhà bệnh nhân bày tỏ: “Các bác sĩ chẩn đoán bố tôi bị viêm phế quản, hở van hai lá nhẹ. Các bác sĩ rất nhiệt tình, ngày khám 3 lần đo huyết áp, 3 lần khám tim phổi. Bệnh bố tôi bị lâu rồi, bệnh người già cũng tiến triển nhiều rồi nên các bác sĩ cho ra viện”.

Nếu như bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao năng lực điều trị thì các trạm y tế tuyến xã phải đảm trách chức năng là “xương sống” của hệ thống y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân,… Vì vậy tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025 có 95% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ thôn, làng có nhân viên y tế là 100%. Nâng cấp, xây dựng mới và bổ sung trang thiết bị cho ít nhất 77 trạm y tế tuyến xã từ các nguồn vốn huy động của Trung ương và địa phương. Đây là tiền đề để y tế cơ sở ngày càng làm tốt vai trò của mình.

Bác sĩ Mai Thị Thoa, Trưởng Trạm Y tế xã Ia Bòong, huyện Chư Prông cho biết: “Sau một năm vừa qua được sự hỗ trợ nhiệt tình của TTYT của UBND xã, các ban ngành trong xã nên TYT xã Ia Bòong vẫn giữ vững được TYT chuẩn quốc gia. Để thu hút được bệnh nhân về trạm ngày một đông hơn thì đội ngũ y tế phải là người nắm bắt chuyên môn, nhiệt tình chăm sóc bệnh nhân chu đáo tận tụy”.

Đặc biệt tin vui cho ngành Y tế tỉnh Gia Lai đó là ngay trong năm nay, địa phương được Trung ương đầu tư nguồn vốn rất lớn cho việc sửa chữa, đầu tư xây mới một số trung tâm y tế và trạm y tế, dần hướng đến hoàn thiện Đề án phát triển y tế cơ sở của tỉnh đến năm 2030.

Ông Lý Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết: “Giai đoạn 2021 –2025, được sự quan tâm của tỉnh rất là lớn về đâu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Về tuyến huyện đã có danh mục đầu tư trong vốn đầu tư công để sửa chữa lại các TTYT

Có những dự án rất lớn sắp đến phát triển đó là khối phụ sản của Bệnh viện Nhi, đầu tư mới hoạt động của Bệnh viện 331, đầu tư mới của một TTYT huyện Kbang và đặc biệt là đầu tư một khu xạ trị, trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tất cả các bệnh nhân liên quan đến vấn đề ung thư có thể xử lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tất cả những bệnh nhân liên quan đến vấn đề về ung thư chúng ta có thể xử lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được. Đó là những nguồn vốn đầu tư rất là lớn. 59 TYT xã được xây mới đầu tư nâng cấp, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh với tổng vốn Trung ương trong chương trình phục hồi kinh tế khoảng 302 tỷ đồng”./.

Lệ Xuân, R’Piên


Lượt xem: 6

Trả lời