Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực

Cập nhật 26/11/2021, 16:11:43

Gia Lai là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su, tiêu, điều… do đó thời gian qua ngành Công Thương Gia Lai đã triển khai các giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) nhằm hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Trong đó tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp đại diện cho mỗi ngành hàng, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của Gia Lai.

 

 Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của tỉnh gồm các mặt hàng: cà phê, hạt điều, hạt tiêu… sang nước ngoài, Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai được xem là một trong những doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế để tìm kiếm khách hàng tiềm năng và các đối tác nước ngoài nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Công ty.

Ông Phạm Trung Thành – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai cho biết: “Hiện nay có mấy sàn nổi tiếng như Alibaba, Amazon… Nổi bật hơn cả là Alibaba, và chúng tôi dã đăng ký và trở thành thành viên vàng được khoảng chục năm rồi. Nếu đăng ký vào một giao diện như Alibaba thôi thì chúng ta có cả một phòng nhân viên bán hàng cũng sẽ trả lời không hết, không kịp cho hàng ngày. Cho nên việc tìm kiếm và lựa chọn khách hàng thì đó làm một sân chơi chung, rất công bằng. Và rất tốt cho doanh nghiệp. Nhưng đây là gian hàng của nước ngoài, nên cũng có một số bất cập. Hy vọng Việt Nam sau này cũng thành công và có những cái những công cụ đủ mạnh để sánh vai được như thế thì chúng ta có tính chủ động tốt hơn”.

Cũng là một doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu nông sản chủ lực, bên cạnh không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cũng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường thông qua các sàn TMĐT trong nước và quốc tế. Đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay thì đây là kênh thương mại giao dịch hiệu quả để doanh nghiệp mở rộng thị trường cũng như giữ chân các khách hàng tiềm năng.

Bà Hoàng Thị Thảo Nguyên – Chuyên viên Marketting – Công ty  TNHH Vĩnh Hiệp cũng cho biết: “Với thị trường xuất khẩu trong thời điểm hạn chế đi lại do đại dịch Covid 19, kênh thương mại điện tử như Alibaba được chúng tôi xem như là một giải pháp tiếp thị quốc tế và vừa để bán hàng mở rộng thị trường, lại giúp tiết kiệm được chi phí giao thương đi lại như thời điểm trước dịch.Với kênh này thì chúng tôi có thể chủ động tìm tới, liên hệ các khách hàng trên online qua các thông tin mà họ để lại. Và chúng tôi có thể tiếp cận với nguồn thực sự có nhu cầu về sản phẩm của mình và từ đó thì từ đó tốc độ tiếp cận khách hàng được nhanh hơn”.

Để phát triển TMĐT, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, ngành Công Thương Gia Lai đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa. Chú trọng cập nhật thông tin doanh nghiệp và thông tin về tiềm năng xuất khẩu của Gia Lai lên cổng thông tin thị trường nước ngoài Vietnamexport, khai thác bản tin Cơ hội giao thương từ các sàn giao dịch thương mại điện tử thế giới: EU, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Đông để cung cấp đến các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, luôn tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.

Bà Trịnh Thị Lương – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dalasa Coffee cũng nói: “Đối với kế hoạch doanh nghiệp thì đang làm việc với các đối tác nước ngoài để chào, bán với các sản phẩm của doanh nghiệp. Do đó hy vọng trong tương lai sẽ xuất khẩu ra nước ngoài. Và đối với Sở Công thương thì cũng hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp, nhất là các vấn đề kết nối, giao thương chương trình giữa các tỉnh, rồi kết nối giao thương đối với các đối tác nước ngoài. Cũng như hỗ trợ tham gia trên các sàn TMĐT, được tư vấn miễn phí, được hỗ trợ về gian hàng”.

Cùng với đó, ngành Công Thương Gia Lai cũng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, chanh dây, mật ong, hạt mắc ca… Qua đó, tạo sự tin tưởng ổn định đối với khách hàng truyền thống, đồng thời phát triển khách hàng tiềm năng. Từ góp phần thúc đẩy việc quảng bá sâu rộng hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai đối với khách hàng trong và ngoài nước.

Lê Thư, Duy Linh

 


Lượt xem: 60

Trả lời