Dấu ấn văn hóa đặc biệt của Gia Lai trong năm 2023

Cập nhật 07/2/2024, 22:02:53

Năm 2023 đã đi qua – một năm có rất nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng được tỉnh Gia Lai tổ chức thành công, một trong số đó đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, sâu đậm về hình ảnh đất và người Gia Lai giàu bản sắc và năng động, không ngừng phát triển đó là chuỗi các sự kiện Tuần Văn hoá-Du lịch Gia Lai năm 2023, với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn (diễn ra từ ngày 11-19.11.2023).

Sau 5 năm, kể từ Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 diễn ra tại Gia Lai, các nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên lại mới có một cuộc hội ngộ, thăng hoa cùng cảm xúc với người bạn tri kỷ, mang tên cồng chiêng tại lễ hội lớn đó là Chương trình khai mạc “Tuần Văn hóa – Du lịch và Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên – Gia Lai năm 2023”. Hơn 1 ngàn nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên của 5 tỉnh Tây Nguyên đã cùng hoà nhịp, diễn xướng, tấu lên những bản nhạc mang âm hưởng, hơi thở của núi, của rừng, của sông, suối Tây Nguyên đại ngàn, tạo nên những cảm xúc khó tả với du khách, công chúng khắp nơi trên thế giới.

Qua sự kiện này, Gia Lai tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối văn hóa giữa các tỉnh Tây Nguyên trong việc thực hiện cam kết với UNESCO về hoạt động tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

Đồng chí Trương Hải Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai năm 2023, đặc biệt là Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2023 là nhằm tôn vinh giá trị Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên; tạo sự giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực; là dịp để quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh về giá trị độc đáo của di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người Gia Lai. Tiếng cồng, tiếng chiêng của các dân tộc trong tỉnh hoà cùng tiếng cồng chiêng của bạn bè các tỉnh Tây Nguyên sẽ ngân vang, bay xa không những trên lãnh thổ Việt Nam mà còn vượt qua biên giới quốc gia, hội nhập với khu vực và thế giới.”

Không chỉ để lại dấu ấn trong Chương trình nghệ thuật Lễ khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch và Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên – Gia Lai năm 2023, từ các hoạt động bổ trợ, đi kèm, như: Chương trình lễ hội đường phố, phục dựng các nghi lễ, tín ngưỡng của các dân tộc Tây Nguyên… đã tôn vinh, đưa các giá trị văn hóa đặc sắc của Gia Lai đến gần hơn với công chúng.

Anh Bruce Dunn – Du khách Scotland vui vẻ nói: “Tôi rất vui khi tham gia lễ hội của người Tây Nguyên. Tôi thực sự ngạc nhiên và bất ngờ bởi sắc màu văn hóa rất thú vị của các bạn, khác hẳn với những vùng đất tôi đã đi qua. Chắc chắn tôi sẽ trở lại nơi này.”

Là một trong những sự kiện mở màn cho chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai năm 2023 là Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm “Gia Lai ơi”, do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty TNHH Vietmode tổ chức. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dàn dựng công phu, mới lạ, các diễn viên, nghệ nhân người DTTS ở tỉnh Gia Lai và các nghệ sĩ, người mẫu đã kể một câu chuyện thổ cẩm độc đáo, mang nhiều thanh âm, sắc màu. Chương trình đã truyền đi thông điệp đó là sự hoà quyện giữa nét đẹp nghệ thuật với tinh hoa văn hoá mang đậm dấu ấn của vùng đất Gia Lai, Tây Nguyên. Đây không chỉ là tài nguyên du lịch quý giá mà còn là “cánh cửa” để đưa tinh hoa văn hoá Việt Nam ra thế giới.

Chuỗi các hoạt động, sự kiện hưởng ứng của các địa phương trong Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai năm 2023 cũng đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng du khách, như: Ngày hội Văn hóa – Du lịch TP. Pleiku và Giải chạy “Gia Lai City trail 2023 – Giấc mơ đại ngàn”, “Lễ hội Hoa dã quỳ – Núi lửa Chư Đang Ya”,  huyện Chư Pah; “Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh năm 2023”, huyện Ia Grai… Tất cả đã tạo nên một không gian lễ hội Tây Nguyên lung linh, rực rỡ sắc màu…

Anh Chee Soon Boon – Du khách Singapo nói: “Thật là tuyệt vời khi tôi có mặt ở đây, thiên nhiên quá đẹp, được tận mắt thấy hoạt động thể thao, văn hoá rất độc đáo của các bạn. Chuyến đi này của tôi là một kỷ niệm khó quên…”

Chị Nguyễn Thị Ngọc Loan – Du khách tỉnh Kon Tum bày tỏ: “Đến đây thì cảm thấy niềm vui, hạnh phúc, không khí rất trong lành tạo cho con người ta một cái gì đó rất khó quên, làm cho con người mình vui hơn, có năng lượng hơn.”

Anh Lê Đức Hùng – Du khách TP. Hồ Chí Minh bày tỏ: “Gia Lai tổ chức giải chạy rất là đẹp, rất là dễ thương, đặc biệt là con người Gia Lai rất là chan hòa, mến khách…”

Không chỉ ghi dấu từ việc tổ chức các sự kiện lớn về văn hoá – du lịch tại địa phương, năm 2023, một đoàn nghệ nhân gồm 14 người Jrai của tỉnh Gia Lai đã “mang chiêng đi đánh xứ người”, khi được cử đi tham dự Lễ hội Âm thanh thế giới Jeonju tại Hàn Quốc. Một chuyến biểu diễn thành công, lưu dấu nhiều kỷ niệm, tạo được nhiều thiện cảm, sự trầm trồ, thán phục của người dân nước bạn về cồng chiêng, về nền văn hóa rất đặc biệt của người Tây Nguyên.

Thạc sỹ Nguyễn Quang Tuệ – Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VH, TT&DL tỉnh Gia Lai trao đổi: “Chúng tôi mang tới những tiết mục rất đặc sắc là hơi thở của núi rừng, mang nhiều thông điệp của văn hóa Tây nguyên gửi tới bạn bè quốc tế…”

Một năm nhìn lại, có rất nhiều dấu ấn đọng lại trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của Gia Lai. Với tinh thần, quyết tâm chính trị cao nhất, tỉnh Gia Lai đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Qua đó khẳng định hướng đi đúng, tạo niềm tin, niềm tự hào của đồng bào các dân tộc trong công tác bảo tồn và phát huy, nâng tầm giá trị văn hóa, biến di sản trở thành tài sản để xây dựng Gia Lai tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Song Nguyễn – Kim Ngân – R Piên – Ksor Tuối – Huy Toàn


Lượt xem: 18

Trả lời