Dân hỏi – Cơ quan nhà nước trả lời

Cập nhật 26/3/2016, 10:03:56

Hôm nay, vị khách mời đăng đàn trả lời câu hỏi của người dân là ông Phạm Duy Du – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Gia Lai.  

Câu hỏi đầu tiên dành cho ông  Du đề cập đến một trong những vấn đề hiện được người dân đặc biệt quan tâm đó là việc khai thác tài nguyên khoáng sản. Theo người dân phản ánh ở 1 số địa phương vẫn còn tình trạng khai thác cát đá trái phép. Hiện quy định hiện hành về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Duy Du trả lời

Tình trạng như người dân phản ánh là một thực tế hiện hữu. Đối với Gia Lai, việc khai thác khoáng sản trái phép thường diễn ra nhỏ, lẻ, không có quy mô lớn. Tuy nhiên phải nhận thức rằng mọi hành vi khai thác khoáng sản khi không được cấp có thẩm quyền cấp Giấy phép đều được gọi là khai thác trái phép.

Để xử lý các hành vi vi phạm có Luật khoáng sản năm 2010, các nghị định, thông tư hướng dẫn, các văn bản pháp luật có liên quan…đã chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có khoáng sản chưa khai thác. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/2013/CT – UBND ngày 20/5/2013 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì Chủ tịch UBND cấp huyện nơi đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

 Mặc dù có quy định cụ thể tuy nhiên theo ông Du thì lý do vì sao thời gian qua vẫn còn xảy ra 1 số vụ việc xung đột giữa các đơn vị khai thác khoáng sản với người dân sở tại?

Ông Phạm Duy Du trả lời

Ở đây có 2 trường hợp. Thứ nhất là xung đột giữa người dân sở tại với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép. Đây là trường hợp phổ biến cho thấy người dân rất có ý thức để phát hiện và ngăn ngừa các hành vi sai trái của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép. Ngước lại tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép lại tỏ thái độ dọa dẫm, thách đố đối với người dân tạo sự xung đột, mâu thuẫn. Ở đây phải cảm ơn người dân, đề cao và tôn vinh sự nghiêm minh của pháp luật.

 Thứ hai là xung đột giữa người dân sở tại với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có giấy phép. Trường hợp này có nhưng không nhiều. Chủ yếu là xung đột về quyền lợi trên khu vực khai thác như thỏa thuận đền bù đất đai, hoa màu chưa thỏa đáng như cam kết của doanh nghiệp; hai là làm hỏng đường xá, xe chở quá khổ quá tải, bụi bặm…

Trên thực tế có những đơn vị thực hiện quy trình về đấu thầu và được cấp phép khai thác khoáng sản, song việc thực hiện cam kết về nghĩa vụ đối với cộng đồng trên địa bàn khu vực khai thác và sau khi khai thác phải có trách nhiệm phục hồi lại môi trường ban đầu lại chưa được đảm bảo. Vậy ở đây vai trò kiểm tra của Sở Tài nguyên – Môi trường được thể hiện ra sao?

Ông Phạm Duy Du trả lời

Vấn đề cấp phép trong hoạt động khai thác khoáng sản được quy định rât cụ thể. Các DN trước khi cấp phép phải thực hiện đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và đóng tiền ký quỹ phục hồi môi trường. Vấn đề thực hiện cấp phép phải thực hiện đúng quy hoạch và kế hoạch của chính quyền địa phương và UBND tỉnh đã phê duyệt. trong quá trình thực hiện thì Sở TN – MT cùng chính quyền địa phương và các ngành liên quan sẽ kiểm tra vấn đề này. Những trường hợp được cấp phép phải thực hiện nghĩa vụ tài chính trước khi đưa mỏ vào hoạt động.

Xin cảm ơn ông Phạm Duy Du đã đến với chương trình!

Hòa Giang


Lượt xem: 50

Trả lời