Chuyện về những nhân viên y tế vùng biên

Cập nhật 27/2/2020, 14:02:59

Tại vùng biên giới của tỉnh những y, bác sĩ đang ngày đêm âm thầm cống hiến sức mình, với họ – niềm vui, niềm hạnh phúc với con đường đã chọn và đang tiếp tục bước đi đó chính là sự tin yêu, quý mến của người dân nơi đây cũng như sự tin tưởng, an tâm của người dân mỗi khi có bệnh lại đến khám tại trạm y tế xã. Đó cũng chính là động lực để các y bác sĩ nơi vùng biên giới tiếp tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ngày một tốt hơn.

Cách trung tâm huyện Chư Prông gần 60 km nên nhiều năm nay, mỗi khi đau ốm, sinh con hay bị chấn thương gì, người dân xã Ia Mơ lại tìm đến Trạm Y tế xã… Ngoài việc tiện lợi trong đi lại thì sự tận tình của các y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi đây đã làm cho người dân ở các làng rất yên tâm, tin tưởng hễ có đau ốm gì thì đến ngay trạm y tế.

Anh Ksor Thăng – Làng Krông, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: chia sẻ “Bà con ở đây lên tuyến huyện đường sá khó khăn nên đau ốm lên trạm xá đây. Các bác sỹ, các cô y tá cũng tận tình giúp đỡ bà con. Bà con  thương mến bác sĩ, y tá ở đây, vì họ đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con vùng sâu, vùng xa”.

Được công nhận đạt chuẩn từ năm 2011, Trạm Y tế Ia Mơ có 5 cán bộ, nhân viên y tế. Ngoài công việc ở trạm, mỗi người còn phụ trách công tác y tế ở 1 làng và nhiều công việc khác, song các y, bác sĩ, nhân viên y tế ở đây luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc của bản thân nói riêng và của trạm nói chung. Gắn bó với y tế vùng sâu nhiều năm, những ngôi nhà, gia đình trong làng đều đã thân quen với mỗi y, bác sĩ. Và niềm hạnh phúc lớn nhất của những y, bác sĩ ở đây chính là sự tin yêu của bà con để rồi bà con nghe, làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế,từ bỏ những tập tục lạc hậu,từng bước thay đổi cách sinh hoạt hợp vệ sinh, biết cách phòng, chống dịch bệnh… nhằm nâng cao sức khỏe.

Chị Phạm Thị Thu Loan – Nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai nói: “Bản thân cũng cố gắng, để giúp đỡ các bà mẹ sinh con. Dù họ đến tận trạm nửa đêm gà gáy thế nào mình cũng sẵn lòng giúp đỡ và mong gắn bó với Ia Mơ dài và lâu hơn nữa”.

Chị Ksor H’Trinh –Bác sĩ Trạm Y tế xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Trước đây vận động dân đi tiêm chủng rất khó nhưng mình là người Jrai mình nói tiếng Jrai dân cũng dễ hiểu. Khi mình chạy lên nhà thì mình tuyên truyền phải tiêm chủng cho con em, nhiều khi họ nói tiêm xong con sốt nhưng mình nói đó là phản ứng của thuốc là tốt đấy, cứ tiêm và chăm sóc cho con, có gì lên với chị là dân tin tưởng mình”.

Ngoài trạm y tế xã, tại xã biên giới Ia Mơ còn có phòng khám quân-dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Ia Mơ. Khi đau ốm vặt, bà con lại tìm đến những y, bác sĩ mang quân hàm xanh để được thăm khám sức khỏe, qua đó thắt chặt tình đoàn kết quân dân nơi biên giới.

Ông Kpă Tôt – Làng Klah, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai nói: Đau đầu, đau lưng, đau cổ, đau xương thì xuống đây biên phòng khám cho mình. Cái gì mình đau thì bộ đội cho mình thuốc uống cho nó khỏe.

Thượng úy Nguyễn Thành Trang – Cán bộ Quân y, Đồn Biên phòng Ia Mơ, Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Ngày trước người dân đau thường cúng, ít khi đến phòng khám, đi bệnh viện. Mình tuyên truyền cho bà con đau ốm là đến cơ sở y tế để thăm khám, chữa bệnh chứ cúng thì không đúng và không hết được bệnh”.

Gắn bó với công tác y tế vùng biên nhiều năm, những y, bác sĩ công tác tại Trạm Y tế Ia Mơ xem đây như là ngôi nhà thứ 2 của mình. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, các y, bác sĩ lại tăng gia sản xuất để phần nào quên đi nỗi nhớ nhà, hơn trên hết là để gần hơn với bà con và thắt chặt tình đoàn kết giữa các đồng nghiệp. Đây cũng chính là cách giúp các y, bác sĩ, nhân viên y tế cải thiện đời sống, thu nhập nơi vùng khó./.

Thiên Thanh –  Duy Linh


Lượt xem: 38

Trả lời