Chuyện về làng nuôi voi

Cập nhật 06/9/2017, 08:09:59

Xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai là vùng đất có truyền thống nuôi voi lâu đời. Trước đây, tại nhiều ngôi làng trong xã, như Pleipa Kdranh, có nhà nuôi cả vài con voi. Giờ rừng lùi xa mấy ngọn núi, đất đai dùng để ở và canh tác… nên bóng dáng voi rừng, voi nhà cũng thưa vắng dần.

Lúc này người ta quan tâm đến số phận của con voi nhà còn lại duy nhất trên vùng đất Bắc Tây Nguyên – Con voi cái có cái tên Yă Tao, ở Pleipa Kdranh, xã Chư Mố, năm nay khoảng 50 tuổi… Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu về câu chuyện này.

Ông Ksor Chăm, thân chủ của con voi Yă Tao và là quản tượng có tiếng ở vùng đất này cách đây vài tháng đã về với Atâu… Sau khi ông Chăm mất, tất cả những đồ vật, kỷ vật của voi lúc ông còn sống luôn gắn bó với nó, người nhà vẫn đang giữ gìn cẩn trọng…

Anh Siu Kiêm, con rể ông Ksor Chăm, Pleipa Kdranh, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Đây là vật của con voi, hồi xưa ông già dùng để chở bắp, chở lúa. Sau một thời gian, người ta có phương tiện thì ông già cất đi thôi. Hồi trước ông già kể, ở xã, ở thôn không có cầu, có canô vận chuyển bộ đội, ông già dùng voi chuyển bộ đội đi nhập ngũ”.

Để đến được chỗ voi Yă Tao, chúng tôi theo chân 2 người con rể của ông Ksor Chăm là Ksor Aleh và Siu Kiêm vào tận rừng sâu. Đi qua 3 con suối, đến con suối thứ 4 thì phải dừng lại vì mực nước khá sâu. Chờ người con rể đầu Ksor Aleh khoảng 1h đồng hồ băng rừng, lội suối tìm tới chỗ cột con voi để mang nó về, bóng dáng Yă Tao đã xuất hiện. Thường thì cứ tết đến, cả voi và người mới cùng nhau về nhà…

Cả vùng đất Chư Mố rộng lớn, dòng sông Tul trải dài miên man, Yă Tao lạc lỏng một mình. Đã hàng chục năm nay, nó không được nhìn thấy đồng loại. Cả đàn voi nhà hàng chục con từng là niềm kiêu hãnh của cư dân trong vùng, nay chỉ còn lại 1 con. Bóng dáng con voi già bước đi nặng nề, rệu rã in hằn trên những vạt đất… mới thấy một khoảng không bao la, vô định…

 Ông Ksor Thất, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Nói về con voi là một loài vật của đồng bào được quan niệm rất thiêng, vì voi thường gắn bó với đời sống của đồng bào, giúp cho việc vận chuyển. Giá trị của con voi trước đây thì rất lớn, có thể là góp nhiều gia đình vào để mua con voi, chủ yếu những nhà giàu có mới mua được. Cho nên con voi nó cũng biết sống như người, gắn bó với người”.

Chuyện về con voi Yă Tao ở vùng Bắc Tây Nguyên không chỉ là mối lo ngại về tương lai của con voi đơn độc, chỉ biết rằng, với những ai yêu quý loài vật này sẽ không muốn thấy một cái kết buồn…

Con voi xứng đáng được bảo vệ không phải chỉ vì chúng là một loài thú quý hiếm mà là một phần của văn hóa Tây Nguyên…/.

Song Nguyễn- Viễn Khánh- Phan Nguyên


Lượt xem: 96

Trả lời