Chuyện giữ nghề truyền thống ở Kong Chro

Cập nhật 23/9/2020, 08:09:14

Bảo tồn nghề truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đối với đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai, câu chuyện giữ nghề và truyền nghề ở các buôn làng đồng bào thời gian qua được đề cập đến khá nhiều.

Mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi lắng nghe tâm sự của những người phụ nữ ở huyện Kông Chro, những người luôn trăn trở với câu chuyện giữ nghề truyền thống của đồng bào Bahnar.

Những buổi dệt tập thể  ngày càng vắng bóng ở làng Nghe Lớn, thị trấn Kong Chro, huyện Kông Chro – Một trong những ngôi làng đã từng rất phát triển mô hình hợp tác xã dệt thổ cẩm. Ngôi nhà sàn truyền thống được sửa sang rộng rãi, thoáng mát hơn nhưng tiếng cười đùa trong lúc dệt lại thưa dần. Ngày càng ít chị em trong làng có điều kiện dành cho công việc từng là trách nhiệm vừa là niềm yêu thích của những người phụ nữ Bahnar.

Chị Đinh Thị Xu, Làng Nghe Lớn, thị trấn Kong Chro, huyện Kong Chro chia sẻ: “Chị em trong làng rất thích dệt nhưng phải đi làm rẫy, chỉ khi nào rảnh mới tranh thủ dệt thôi”.

Bà Hrin được biết đến như một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm của huyện Kong Chro. Hơn 20 năm gắn bó với việc dạy nghề và truyền nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ DTTS, chủ yếu là trên tinh thần tự nguyện, hơn ai hết, bà Hrin hiểu được phụ nữ Bahnar ở làng Nghe lớn nói riêng và nhiều ngôi làng trong tỉnh vẫn còn rất say mê với nghề truyền thống này. Thế nên bất cứ khi nào có cơ hội, thông qua hoạt động của hội phụ nữ, bà Hrin đều nhiệt tình vận động và hỗ trợ chị em để duy trì hoạt động dệt thổ cẩm.

Bà Đinh Thị Hrin, Làng Nghe Lớn, thị trấn Kong Chro, huyện Kong Chro cho biết: “Nói chung không chỉ riêng làng này mà tất cả trong huyện ai cũng mong muốn làm nghề này để mỗi khi lễ hội bỏ mả hay gì đấy thì dùng theo truyền thống ngày xưa. Cái nghề này được lợi cho bản thân mình, phong tục mình và dân tộc Bah nar mình. Không có cái này thì không được. Các cụ xa xưa đã truyền lại thì mình cũng cố gắng làm sao để truyền lại tiếp. Đảm bảo cho con cháu ngày sau được cái lợi”.

Ở làng Nghe lớn, phải đến 90% phụ nữ trong làng đều biết dệt. Biết nhưng mấy ai theo được và sống được với nghề. Chỉ còn những người già trong mỗi nếp nhà, ngày ngày vẫn cần mẫn bên khung dệt, cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Bà Đinh Thị Nei, Làng Nghe Lớn, thị trấn Kong Chro, huyện Kong Chro nói: “Già năm nay 96 tuổi rồi. Già đã biết dệt từ năm 16 tuổi. Giờ mắt vẫn còn thấy, già vẫn có thể dệt được. Dệt để con cháu thấy mà noi theo”.

Tin vui là niềm trăn trở giữ nghề của những phụ nữ Bahnar hiện đã được nhiều ban ngành ở huyện Kong Chro cùng vào cuộc để tháo gỡ với kế hoạch và hoạt động được xác định cụ thể, từ việc mở lớp dạy nghề cho đến tổ chức các hội thi. Hi vọng, nỗ lực đó sẽ mang lại hiệu quả, để trong mỗi nếp nhà sàn, hình ảnh các bà, các mẹ và các em gái say sưa bên khung dệt lại hiện hữu từng ngày…

Hòa Giang, Viễn Khánh


Lượt xem: 153

Trả lời