Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi – Khi bà con thay đổi, thích ứng

Cập nhật 04/1/2022, 15:01:35

Từ chuyển đổi phương thức canh tác, đưa giống cây, con mới vào sản xuất, đời sống của đồng bào DTTS ở nhiều buôn, làng ở các địa phương trong tỉnh đã không ngừng được nâng lên, từng bước giảm nghèo, không ít gia đình vươn lên trở thành hộ giàu. Chúng ta cùng đến với câu chuyện này qua phóng sự sau đây:

Với hơn 2 ha đất canh tác, ban đầu chỉ trồng lúa cạn và một số cây ngắn ngày, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Gia đình anh Puih Han, làng Mít Com 2, xã Ia O, huyện Ia Grai đã cải tạo, chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng xen canh cùng 1 lúc cây cà phê và hồ tiêu… Đến nay, cả 2 cây trồng này đều trong thời kỳ thu hoạch. Trong khi phần lớn diện tích cây hồ tiêu của bà con trong vùng đã bị chết do dịch bệnh, vườn tiêu của gia đình anh vẫn xanh tốt…

Anh Han nói: “Cà phê có năm được năm mất, năm nay thì giá đỡ hơn. Bình quân gia đình thu nhập từ 150-200 triệu đồng. Cây tiêu sở dĩ còn được như ngày hôm nay là do mình tuân thủ quy trình trồng tiêu hữu cơ, nên vẫn giữ được như thế này”.

Từ sản xuất theo phương thức lạc hậu, tự cung tự cấp, đến nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia O, tiêu biểu như gia đình anh Puih Han, làng Mít Com 2 đã biết phát triển kinh tế theo hướng đa cây. Từ những điển hình này đã lan tỏa phong trào và giúp bà con trong vùng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần làm thay đổi đời sống, diện mạo ở vùng biên giới Ia O…

Ông Ksor Tuâng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Phát triển cây chủ lực, trên địa bàn xã có cây cao su, cà phê, tiêu, điều, mang lại nguồn thu chủ yếu cho bà con. Nhiều hộ đã mạnh dạn áp dụng trồng xen canh, mang lại giá trị kinh tế cao, như gia đình anh Puih Han. Để đạt được tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi tuyên truyền bà con giữ được cây trồng chủ lực, có hộ trồng xen kẽ để tăng thu nhập”.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm gần đây, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Đức Cơ đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, đa cây, đa con, mũi nhọn là các cây công nghiệp dài ngày, như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, điều… huyện còn xác lập và định hình phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô gia đình cũng đã được hình thành và cho hiệu quả kinh tế cao, đơn cử như mô hình nuôi heo Brong theo quy trình VietGAP của gia đình anh Đinh Hồ Lanh, làng Nuk, xã Ia Kriêng…

Anh Đinh Hồ Lanh, làng Nuk, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Bây giờ loại heo sạch như này thị trường rất cần, tôi kết hợp với huyện để tạo dựng một mô hình, để một phần phát triển kinh tế gia đình, cùng bà con nâng mô hình này lên để cung cấp cho thị trường sau này”.

Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Đức Cơ đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, về vật nuôi chúng tôi đang tham mưu cho huyện mở rộng vật nuôi xưa nay chưa được quan tâm, như lợn sóc; giống gà lai với gà rừng; mật ong và những sản phẩm khác”.

Quá trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong đồng bào DTTS là nhu cầu tất yếu, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm, nâng cao giá trị thu được trên một đơn vị diện tích đất, tạo cho người nông dân có thu nhập cao, ổn định và yên tâm với sản xuất. Để đạt được những mục tiêu này, cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, một yếu tố cũng hết sức quan trọng đó là khi bà con thay đổi, thích ứng thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn…/.

Song Nguyễn Ksor Tuối-Phi Long


Lượt xem: 11

Trả lời