Chuyển biến tích cực về môi trường ở vùng nông thôn DTTS

Cập nhật 29/7/2021, 07:07:04

Chương trình xây dựng nông thôn mới đang mang đến những thay đổi đổi tích cực cho vùng nông thôn của tỉnh. Một trong những thay đổi rõ nét, dễ nhận thấy nhất là vấn đề về môi trường. Thời gian qua, nhờ những mô hình bảo vệ môi trường được các địa phương, cấp hội, đoàn thể triển khai thực hiện, diện mạo nông thôn Gia Lai đã có một hình ảnh sạch đẹp hơn, nhiều sắc màu hơn, xứng đáng là những vùng quê văn minh đang trên đà phát triển.
Trong phóng sự sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu về một số mô hình hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường mà các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện.

Thói quen xả rác sinh hoạt bừa bãi trước đây đã được người dân làng Hreng, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh thay đổi bằng những thùng chứa gọn gàng như thế này. Đây là mô hình được Hội Nông dân tỉnh Gia Lai triển khai từ cuối năm 2020. Theo đó, 30 hộ dân tại làng Hreng đã được hỗ trợ mỗi hộ một thùng đựng rác hai ngăn để thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt. Qua đây, bà con người DTTS đã dần thay đổi thói quen, hành vi trong bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, Gia Lai cho biết:Năm 2020, Hội Nông dân xã đã tiếp nhận mô hình của Hội Nông dân tỉnh nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Xã Hòa Phú được 2 mô hình là xử lý rác thải và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Xã đã triển khai cho làng Hreng để thực hiện. Trong đó thì đã bình xét, ưu tiên cho các hộ nghèo, cận nghèo. Người dân rất hưởng ứng thực hiện mô hình, qua đó, ý thức về môi trường được nâng lên”.

Cùng với việc được cấp dụng cụ và hướng dẫn xử lý, phân loại rác sinh hoạt trong gia đình, nhiều hộ dân tại làng Hreng có chăn nuôi gia súc, gia cầm còn được hỗ trợ làm chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Ban đầu, theo dự án của Hội Nông dân tỉnh, chỉ có 27 hộ dân được cấp vật liệu để xây dựng chuồng trại và tập huấn cách vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải. Tuy nhiên, sau khi mô hình này được triển khai, người dân trong làng đã thấy được hiệu quả của mô hình nên đã học cách làm theo. Đến nay, sau chưa đầy một năm, trong làng đã có được gần 200 chuồng chăn nuôi gia súc do người dân tự bỏ kinh phí làm.

Rơ châm Dét, Làng Hreng, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, Gia Lai nói: “Trước đây chưa có chương trình hỗ trợ, bà con thả rông gia súc thì nó rất ô nhiễm môi trường, ngoài ra còn không tận dụng được nguồn phân, thiệt hại rất nhiều. Giờ được hỗ trợ thì bà con cũng có ý thức, học hỏi lẫn nhau, làm chuồng trại để nuôi nhốt, tiện lợi rất nhiều. Tốt cho bà con, sạch sẽ môi trường”.

Những mô hình bảo vệ môi trường với cách triển khai “cầm tay, chỉ việc”, làm gương để bà con người DTTS học và làm theo của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Ý thức, thói quen vốn tưởng chừng như đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con DTTS bấy lâu nay đã dần được thay đổi. Từ đó, đã tạo nên môi trường sống tốt hơn, từ đó sức khỏe của người dân được đảm bảo hơn, nhất là trước sự tấn công của các dịch bệnh.

Chị Ksor Phúc, Làng Mrông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai phấn khởi bày tỏ: “Gia đình được Hội Nông dân hỗ trợ xây nhà về sinh sạch, đẹp, đảm bảo sức khỏe. Gia đình rất vui, rất cảm ơn Hội đã quan tâm. Bây giờ mọi sinh hoạt cũng được tiện lợi hơn, không gặp bất tiện, ảnh hưởng đến sức khỏe nữa”.

Môi trường sạch, đẹp, không chỉ là điều kiện lý tưởng để người dân sinh sống mà còn mang đến diện mạo tươi mới cho vùng nông thôn. Qua sự thay đổi này đã cho thấy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn Gia Lai sạch đẹp, văn minh đã được nâng lên đáng kể.

Ngọc Hà, Viễn Khánh


Lượt xem: 42

Trả lời