Chính phủ Hội nghị trực tuyến với 21 tỉnh, thành ứng phó bão số 2 ở biển Đông

Cập nhật 01/8/2020, 18:08:37

Sáng ngày 1/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến với 21 tỉnh, thành phố trong nước chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 2 ở biển Đông để triển khai các biện pháp ứng phó. Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Gia Lai, dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển hướng về phía đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nên từ chiều nay (01/8) đến ngày 05/8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ nay đến đêm 02/8, ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng khu vực Bắc Tây Nguyên lượng mưa phổ biến từ 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành trung ương và một số địa phương đã báo cáo nhanh tới Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và các biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các địa phương đã có những biện pháp ứng phó kịp thời, nhờ đó đã góp phần giảm thiểu những thiệt hại do áp thấp gây ra trong những ngày qua. Tuy nhiên theo nhận định của cơ quan chuyên môn, đợt áp thấp này có thể mạnh lên thành bão với nhiều đặc điểm, hình thái phức tạp, vì vậy Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương không chủ quan mà phải chủ động các biện pháp ứng phó, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” không để thiệt hại lớn về người và tài sản. Trước hết kịp thời đưa các phương tiện tàu, thuyền và những người còn đang trên biển vào đất liền.  Những nơi bão đổ bộ trực tiếp phải được đảm bảo, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các địa phương chủ động đảm bảo an toàn cho khách du lịch, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cũng như các công trình bao gồm: Nhà ở, công sở, các công trình công cộng, công trình sản xuất, các đê điều, khu vực xung yếu…Các bộ, ngành tập trung phối hợp với các địa phương đảm bảo an toàn thông suốt các tuyến giao thông nhanh nhất khi có sự cố xảy ra cũng như các nhiệm vụ khác có liên quan. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời cung cấp các thông tin về tình hình thời tiết, công tác chỉ đạo của Chính phủ cũng như địa phương.

Sau hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh KPă Thuyên đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Trong đó, tập trung phối hợp với các chủ đập thủy lợi, thủy điện để triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với lũ lụt cho vùng hạ du đập, các hồ chứa trên địa bàn. Đồng thời bố trí lực lượng trực ban 24/24 trong thời gian xảy ra mưa lũ tại công trình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm phát hiện sớm nguy cơ mất an toàn công trình. Kiểm tra, rà soát và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, hậu cần đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” để phục vụ công tác đảm bảo an toàn đập, vùng hạ du đập trong mùa mưa lũ…Các địa phương kiểm tra lại các diện tích cây trồng, những vùng có nguy cơ bị ngập úng để tiến hành thu hoạch sớm, giảm thiểu thiệt khi mưa bão gây ra.

Hồng Uyên, Phi Long


Lượt xem: 14

Trả lời