Cần có giải pháp đối với dự án trồng cao su chậm triển khai

Cập nhật 20/8/2016, 09:08:34

 Thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng sang trồng cao su, từ năm 2008 đến nay tại huyện Chư Pưh có 10 dự án do 8 doanh nghiệp làm chủ đầu tư được cấp phép trồng cao su và trồng rừng. Tuy nhiên đến nay, một số dự án chậm triển khai để dân xâm lấn, gây khó khăn cho công tác quản lý ở địa phương.

20.8cancogiaiphap

Dù được cấp phép gần 3 năm nhưng  nhiều đơn vị vẫn chưa khai hoang, để người dân chặt phá, lấn chiếm.

Hơn 700ha  diện tích rừng tự nhiên được tỉnh giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai trồng cao su tại xã Ia Blứ. Dù được cấp phép gần 3 năm nhưng đơn vị vẫn chưa khai hoang, để người dân chặt phá, lấn chiếm. Mới đây, UBND huyện Chư Pưh đã ra quyết định xử lý trách nhiệm đối với chính quyền cấp cơ sở liên quan đến xung đột xảy ra giữa người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh cho biết: “  Hai vấn đề rất đáng quan tâm và chúng tôi còn gặp khó khăn hiện nay là đất được giao nhưng doanh nghiệp chưa triển khai dẫn đến dân xâm lấn, thứ hai là việc tuyển dụng lao động tại chỗ cũng  còn khó khăn. Vấn đề này, huyện đã chỉ đạo các xã có dự án đối thoại, thảo luận với dân để giải quyết ổn thỏa giữa người dân và doanh nghiệp”.

Đây là thực trạng chung mà nhiều doanh nghiệp trồng cao su tại huyện Chư Pưh đang gặp phải.

Còn đây là khu vực ranh giới 50m cách suối và 100m cách đường giao thông không được trồng cao su theo quy định. Tuy nhiên, thực tế việc quản lý diện tích đất này đang còn nhiều lúng túng. Có nơi doanh nghiệp vẫn mở rộng để trồng cao su hoặc xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở, vật kiến trúc trái phép trên khu vực này.

Ông Nguyễn Văn Tường , Phó trưởng BQL Rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn  cho biết: “Như khu vực xã Ia Blứ, tỉnh thu hồi của Ban quản lý hơn 5.000ha giao cho doanh nghiệp. Do có một số diện tích của doanh nghiệp nằm sát bờ suối và cách xa lâm phần do đơn vị quản lý nên khó khăn trong việc bố trí người quản lý những diện tích giáp bờ suối 50m vì những diện tích này nằm manh mún ở nhiều vị trí khác nhau”.

Đến nay các doanh nghiệp đã trồng cao su, trồng rừng hơn 5.000ha, chỉ bằng 74% diện tích được giao, cho thuê. Trong đó, qua khảo sát có hơn 600ha cao su bị chết do không phù hợp đất đai, phải bỏ hoang đất.

Ông  Khanh nói:  “Đây là một vấn đề mà tỉnh và TƯ cần có chính sách để khai thác hết tiềm năng quỹ đất này. Đặc biệt trong đó phải ưu tiên trồng rừng trở lại cho địa phương”.

Không thể phủ nhận những lợi ích khi dự án trồng cao su được triển khai  giúp địa phương phát triển khu dân cư, xây dựng các công trình hạ tầng vùng dự án như: Điện, đường, nước sạch…, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên vấn đề trước mắt mà nhiều địa phương đang cần, đó là các dự án cần triển khai dứt điểm, không kéo dài, kéo theo nhiều tồn tại ảnh hưởng đến vấn đề an ninh nông thôn./.

Nhật Thành – Tiến Huy – Đặng Trà

 


Lượt xem: 145

Trả lời