Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:37

Vào dịp Tết Nguyên đán, bà con dân tộc Jrai trên địa bàn huyện Chư Păh thường diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để đến thăm hỏi và chúc phúc cho nhau. Những bộ trang phục thổ cẩm ấy là sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm đã dần trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng, góp phần làm đẹp thêm mùa xuân, buôn làng.

 Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm xã Ia Ka, huyện Chư Păh được thành lập từ năm 2010 với 30 thành viên gồm những phụ nữ dân tộc Jrai biết dệt thổ cẩm, đến nay đã thu hút được 100 thành viên. Nhờ đam mê với khung cửi và nghề dệt truyền thống, các chị em trong câu lạc bộ đã tạo ra hàng trăm sản phẩm áo, váy, chăn… cung cấp cho thị trường. Việc duy trì hoạt động của câu lạc bộ trong hơn 10 năm qua đã góp phần gìn giữ nghề dệt truyền thống và giới thiệu văn hóa dân tộc Jrai đến đông đảo du khách.

Bà Rơ Châm Ken – Chủ nhiệm CLB Dệt thổ cẩm xã Ia Ka, huyện Chư Păh nói: “Để phát triển du lịch cộng đồng, chính quyền xã Ia Ka cũng như Câu lạc bộ dệt thổ cẩm của Hội phụ nữ, thì bản thân tôi là Chủ nhiệm Câu lạc bộ cũng đã cố gắng bảo tồn văn hóa của người Jrai để quảng bá cho du khách đến để họ biết điểm đến của xã Ia Ka về văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm”.

Chị Rơ Châm H’Xuyên là thành viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. Chị được học hỏi, rèn luyện nghề dệt thổ cẩm cùng nhiều chị em; tạo ra những sản phẩm truyền thống để sử dụng trong gia đình cũng như giới thiệu đến du khách. Trong năm qua, chị và các thành viên trong câu lạc bộ đã tiếp hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm.

Chị Rơ Châm H’Xuyên – Làng Kép 1, Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh bày tỏ: “Tham gia câu lạc bộ này cũng rất vui, tập hợp chị em phụ nữ ngồi dệt lại. Duy trì truyền thống, bản sắc dân tộc mình rồi cũng có sản phẩm giới thiệu qua khách du lịch để bán”.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Jrai trên địa bàn huyện Chư Păh có những nét độc đáo, hấp dẫn riêng. Đường nét, màu sắc của sản phẩm đã toát lên sự khéo léo, giản dị và mộc mạc, khỏe khoắn như khí chất người Jrai. Nhiều du khách khi đến Chư Păh rất thích thú khi được trải nghiệm dệt thổ cẩm cùng các chị em và sử dụng sản phẩm dệt thổ cẩm để chụp ảnh lưu niệm.

Chị Phạm Thị Thùy An – Du khách Quảng Trị nói: “Mỗi dân tộc có một hoa văn đặc biệt, hoa văn riêng. Và khi mặc bộ đồ này lên thì thấy nó thoải mái, hòa lẫn với thiên nhiên với cộng đồng dân tộc miền núi”.

 Huyện Chư Păh hiện có trên 200 người tích cực tham gia các hoạt động dệt thổ cẩm. Huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con bảo tồn văn hóa của dân tộc mình; mở lớp dạy dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ và tổ chức trình diễn tại các lễ hội để quảng bá nghề dệt truyền thống. Huyện xác định việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Minh Đức – Trưởng Phòng VH-TT huyện Chư Păh cho biết: “Việc bảo tồn và phát huy dệt thổ cẩm trên địa bàn huyện thì trên địa bàn huyện có mấy câu lạc bộ ở Ia Mơ Nông, Ia Ka. Ngoài ra còn có ở các xã khác nữa. Thì việc bảo tồn ở đây là ngoài cái việc bảo tồn hàng năm cũng như các lễ hội của các xã, thị trấn thì hàng năm các xã, thị trấn cũng đưa ra các sự kiện, tổ chức cuộc thi, biểu diễn cho các du khách”.

Mùa xuân đến mang theo những niềm hy vọng mới, đó là động lực để huyện Chư Păh và những người yêu nghề dệt thổ cẩm tiếp tục nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của nghề dệt thổ, từ đó kích thích sự phát triển du lịch và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

CTV Diễm Ly – Bùi Đại (Huyện Chư Păh)


Lượt xem: 17

Trả lời