Ấn tượng về một Festival mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong lòng du khách.

Cập nhật 02/12/2018, 20:12:59

Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 được tổ chức tại Gia Lai đã chính thức được khép lại. Sau 3 ngày tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc, hấp dẫn đã để lại những ấn tượng trong lòng du khách về một kỳ lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên.

Những tiếng cồng, tiếng chiêng reo vui, rộn rã qua cách thể hiện của các nghệ nhân như lời chào, lời mời du khách tham dự hòa chung không khí mùa lễ hội. Các hoạt động văn hóa được tổ chức đã toát lên vẻ đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Những nghi lễ như: “Lễ cúng sức khỏe”, “Lễ cúng cây nêu cầu an”, “Lễ mừng nhà rông mới”, “Lễ cầu an”, “Lễ sạ lúa” được phục dựng, qua đó giúp du khách hiểu hơn về đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc.

Chị Triệu Thị Bích Vân – Huyện Kbang, Gia Lai cho biết:  “Các hoạt động được tổ chức đã giúp mình hiểu rõ hơn những nét văn hóa của người dân đồng bào dân tộc thiểu số. Khi tiếng cồng, tiếng chiêng được đánh lên mình thấy rất vui. Hy vọng Festival Văn hóa Cồng chiêng được tổ chức 2 năm/lần”

Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 được tổ chức với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên”, vì vậy trong chuỗi hoạt động tập trung phản ánh sinh hoạt về đời sống của bà con. Từ triển lãm “Chiêng, trống cổ truyền các dân tộc Jrai, Bahnar ở tỉnh Gia Lai”; đến phần trình diễn văn nghệ Dân gian diễn xướng sử thi, hát dân ca, tạc tượng gỗ, đan lát và dệt thổ cẩm. Những tiết mục, tác phẩm hoàn thành đã thể hiện sự tinh tế, tỉ mỉ, điêu luyện của người nghệ nhân ở các địa phương.

Anh Nguyễn Minh Vũ – Du khách Hà Nội chia sẻ: “Được trải nghiệm rất là thú vị. Hai vợ chồng mình đều là hướng dẫn viên du lịch, đã từng đi rất nhiều điểm, đọc rất nhiều về phong tục tập quán, văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên nhưng mà nay được trải nghiệm, được xem thực tế cảm thấy rất là tuyệt vời.”

Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 đã kết thúc nhưng giá trị của lễ hội để lại những dấu ấn tốt đẹp. Lễ hội nhằm tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Từ đó, xây dựng nền tảng để phát huy giá trị của kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Đồng thời, tuyên truyền, vận động giữ gìn và giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc nhằm thu hút du khách đến Tây Nguyên ngày càng  nhiều hơn.

Thúy Diện, Cao Duy


Lượt xem: 76

Trả lời