Những phản hồi tích cực từ Thông tư 22

Cập nhật 23/12/2016, 14:12:33

Thông tư 22 quy định đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và khắc phục những bất cập của Thông tư 30 cho phù hợp với điều kiện thực tiễn vừa chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 11 năm nay. Với 13 điều được bổ sung, sửa đổi trong tổng số 20 điều của Thông tư 30, ngay sau khi ra đời, thông tư 22 đã nhận được sự phản hồi tích cực từ cán bộ, giáo viên của các trường Tiểu học. Sau đây là những ghi nhận tại một số trường tiểu học trên địa bàn huyện Chư Sê.

26-12-phanhoi

Thay đổi căn bản nhất của Thông tư 22 so với Thông tư 30 trước đây là thay vì đánh giá học sinh ở 2 mức hoàn thành và chưa hoàn thành, thì nay giáo viên sẽ đánh giá học sinh với 3 mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành, và được giáo viên thực hiện vào giữa kì, cuối mỗi học kì. Sự thay đổi căn bản này đã giúp cho giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học.

Thầy Đoàn Khánh Tín, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai,TT Chư Sê, Gia Lai cho biết:  “Bản thân tôi thấy Thông tư 22 rất nhân văn bởi nó tạo sự chủ động linh hoạt cho học sinh và giảm bớt áp lực về ganh đua điểm số. Vì vậy, với Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành khắc phục được những bất cập trong thông tư 30 sẽ giúp đánh giá học sinh một cách toàn diện không chỉ điểm số, cho các em được vô tư, hồn nhiên hơn…”

Bên cạnh đó, những bổ sung, sửa đổi trong Thông tư 22 cũng đã giảm bớt gánh nặng sổ sách cho giáo viên tiểu học. Quy định về khen thưởng cũng cụ thể hơn sẽ giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi trong vấn đề khen thưởng, đảm bảo yêu cầu mà không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh, từ đó nhằm hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục. Ngoài ra, các bổ sung, thay đổi cũng sẽ làm rõ hơn quyền, trách nhiệm của giáo viên trong đánh giá học sinh và tăng trách nhiệm của các cấp quản lí giáo dục trong tổ chức, triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học.

Cô giáo Phan Thị Hồng Nga, Trường Tiểu học Tôn Đức Thắng, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “ “Với thông tư 22 vừa được ban hành, chúng tôi rất phẩn khởi bởi sẽ giảm được áp lực về làm sổ sách cho giáo viên để chúng tôi có thời gian để chuẩn bị bài giảng và chăm sóc học sinh tốt hơn. Tuy nhiên, tôi cũng có một băn khoăn, đó là trong ra đề cho khối 5 thì hiệu trưởng của các trường tiểu học tự ra, theo tôi thì nên để phòng giáo dục ra để tạo sự công bằng, khách quan”.

Những điều chỉnh của Thông tư 22 đã trao quyền  chủ động đánh giá học sinh cho giáo viên, và xem đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất. Do vậy,  để kết quả đánh giá được khách quan, công bằng, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của giáo viên thì  Ban giám hiệu các trường tiểu học cũng cần phải có các biện pháp kiểm tra, thẩm định một cách hiệu quả. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào sự đổi mới của ngành Giáo dục../.

Quốc Linh, Ksor Tuối

 


Lượt xem: 35

Trả lời