Trồng rau thủy canh – Hướng đi mới của nông dân Chư Sê

Cập nhật 18/1/2019, 08:01:37

Trước tình hình thực phẩm bẩn đang bủa vây bữa ăn của từng gia đình, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trồng rau sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu cho bản thân và hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao ngay tại hộ gia đình.

Dù không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng với sự mạnh dạn, sáng tạo của mình, chàng trai sinh năm 1988 Nguyễn Văn Hảo ở Tổ dân phố 4, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê đã thiết kế thành công mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu tại gia đình. Anh Hảo cho biết, xuất phát từ nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng nên anh mạnh dạn tìm tòi, học hỏi về mô hình trồng rau thủy canh tại TPHCM. Từ những chuyến đi thực tế, anh Hảo dần nắm được các khâu trong quy trình sản xuất rau sạch như: Thiết kế nhà màng; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật chăm sóc; việc điều tiết các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng đến khi cho ra sản phẩm. Tháng 9/2018, anh bắt tay vào xây dựng mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng với quy mô 200m2, trồng các loại rau ngắn ngày như xà lách, rau cải… Với giá bán từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, mỗi ngày anh thu nhập trên 1 triệu đồng.

Anh Hảo cho biết:  “Ưu điểm của rau thủy canh và thổ cư truyền thống thì rau thủy canh hầu hết trồng được tất cả các loại rau, mình không cần phải cải tạo đất, mình làm trong nhà màng nên trồng được nhiều mùa trong năm, rau thủy canh mình trồng thế này nó sạch, ít tốn công chăm sóc hơn”.

Trồng rau theo mô hình này, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, năng suất cao hơn từ 40-50%, thời gian trồng ngắn cho thu hoạch nhanh, từ lúc gieo cho đến khi cho thu hoạch khoảng từ 30-50 ngày. Thay vì gieo trồng rau trên mặt đất, hạt giống thủy canh được ươm trong mút xốp đã được xử lý nấm bệnh và khoảng 10 ngày cây nảy mầm. Khi cây được nửa tháng sẽ tách ra, cho vào những rọ bằng nhựa và đưa lên giàn trồng. Nước tưới cho rau được bơm từ bể chứa lên hệ thống ống nhựa sau đó chảy xuống rồi quay về bể chứa thành một vòng tuần hoàn khép kín. Nhận thấy đây là mô hình mới lần đầu tiên được áp dụng ở Chư Sê, hơn nữa lại đảm bảo chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều hộ gia đình đã đến tham quan và áp dụng trồng tại hộ gia đình.

Anh Trần Minh Thế, Tổ dân phố 4, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai nói: “Sau khi tham quan thấy mô hình này rất hay, mình ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên cũng học hỏi và về trồng tại hộ gia đình mình”.

Các loại rau sản xuất theo hình thức này có thể nói là thực phẩm sạch, vì quá trình sản xuất không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, các loại rau của anh Hảo chủ yếu bán giới thiệu với bạn bè, người thân trong huyện và các tiểu thương trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk; tuy nhiên cung vẫn không đủ cầu.

Anh Trần Công Minh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Tôi thấy mô hình này trồng luân canh, liên tục và không phải cải tạo đất, làm giảm sức lao động cho người nông dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền cho hội viên tham quan mô hình của anh Hảo này nhân rộng ra để đảm bảo nguồn cung cấp rau sạch cho địa phương”.

Tuy nhiên hiện nay, việc trồng rau thủy canh chủ yếu vẫn là tự phát, chưa có chính sách hỗ trợ về vốn, kiến thức, nguồn giống nên chưa tính bền vững chưa cao. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm của người dân chủ yếu vẫn là bán nhỏ lẻ ngoài thị trường, nhu cầu và giá cả không ổn định. Do đó, nếu đảm bảo đầu ra cho sản phẩm ổn định thì mô hình này sẽ mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao ở địa phương./.

CTV Mỹ Đức (Huyện Chư Sê)

 


Lượt xem: 136

Trả lời